Tâm tư của giáo viên chuyên biệt ở Điện Biên trước thềm năm học mới
Thứ năm, 11:11, 15/08/2024 Vũ Lợi/VOV Tây Bắc Vũ Lợi/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN: Năm học 2024 – 2025, ngành giáo dục và đào tạo Điện Biên lại phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên chuyên biệt các bộ môn như: Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Dù phải hơn nửa tháng nữa mới chính thức bước vào năm học mới và diễn biến mưa lũ trên địa bàn vẫn còn nhiều phức tạp, song ngay từ đầu tháng 8, các giáo viên chuyên biệt của địa phương đã phải cố gắng trở về trường lớp, gồng mình ôn luyện kiến thức, chuẩn bị tâm lý, sức khỏe để sẵn sàng bước vào một năm học mới với nhiều thách thức.

 VoxPop:

"Theo quy định tôi chỉ dạy có 8 tiết/1 tuần, kiêm nhiệm thêm công việc Tổng phụ trách đội, nhưng hiện tại thiếu giáo viên nên tôi phải dạy hết cả 13 tiết/tuần và kiêm Tổng phụ trách đội lo toàn bộ hoạt động của nhà trường, rất là vất vả."

"Trường ở xa thì phải dạy trực tuyến sẽ rất khó khăn trong quá trình dạy học. Hiện tại giáo viên số lượng ít mà mỗi người phải đi nhiều trường như thế, hầu như chúng tôi kín hết lịch, sáng 4 tiết, chiều 3 tiết, không được nghỉ một buổi nào hết trong tuần."

"Nếu mà bảo không có áp lực thì không đúng, chúng tôi phải chuẩn bị nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Chúng tôi lúc nào cũng rất mong muốn có đầy đủ giáo viên Tiếng Anh, mỗi trường có một giáo viên Tiếng Anh để đảm bảo kiến thức cho các em học sinh."

Đó là những tâm tư của các giáo viên bộ môn chuyên biệt Tiếng Anh và Âm Nhạc ở nhiều trường thuộc ngành giáo dục và đào tạo huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên ngay trước thềm năm học mới này.

Dù còn hơn nửa tháng nữa mới chính thức bước vào năm học mới 2024 – 2025, song 2 ngày nay, hàng chục giáo viên chuyên biệt các môn như: Tiếng Anh, Âm nhạc của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã chủ động tập trung tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Xam Măn, xã Keo Lôm để ôn luyện kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp dạy nhằm đáp ứng cho một năm học được xác định sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn này.

Bởi lẽ năm học trước toàn huyện Điện Biên Đông có tổng số 51 trường từ cấp học mầm non đến trung học cơ sở, 163 điểm trường với hơn 830 lớp, gần 23.000 học sinh các cấp học nhưng số lượng giáo viên Tiếng Anh toàn huyện chỉ vẻn vẹn khoảng 20 người. Giải pháp đưa ra trong năm học vừa qua là các giáo viên phải dạy liên trường, liên cấp, số lượng tiết dạy tăng lên gần như gấp đôi, thời gian nghỉ ngơi gần như không có. Mỗi giáo viên Tiếng Anh ít nhất sẽ phải dạy tăng cường thêm 01 trường khác bằng phương pháp dạy học trực tuyến. 

Cô giáo Phạm Thị Luyến, giáo viên Tiếng Anh, Trường Tiểu học Thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông cho biết: "Giáo viên Tiếng Anh trong địa bàn huyện đang thiếu rất trầm trọng. Hiện tại tôi đang dạy 2 trường và cũng phải cố gắng hết mình để bố trí thời gian, sức khỏe để có thể bắt kịp được chương trình. Bởi thời lượng học Tiếng Anh của học sinh tiểu học chỉ có 35 phút/ 1 tiết."

Còn đối với cô giáo Phạm Thị Thảo, giáo viên Tiếng Anh, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học, trung học cơ sở Na Son, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông hiện đang phải dạy 20 tiết/tuần tại trường chính và 24 tiết/tuần theo phương pháp trực tuyến tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở Suối Lư, xã Phì Nhừ. Việc dạy học trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả không cao và tạo áp lực cho giáo viên khi phải thay đổi liên tục các phương pháp dạy khác nhau. Việc ôn luyện kiến thức và sát sao với từng học sinh nhằm nắm bắt lực học thực tế cũng sẽ khó thực hiện hơn.

Cô Thảo cho biết: "Việc dạy học trực tuyến có thể chất lượng sẽ không được đảm bảo như dạy học trực tiếp. Việc ôn luyện cho học sinh học trực tuyến sẽ không thể bằng các em được học trực tiếp. Khi dạy trực tiếp giáo viên sẽ có thể đi đến từng em một, chỉnh sửa cho từng em, còn dạy học trực tuyến thì chỉ có thể nhờ các thầy cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn cùng. Nếu muốn gặp một em học sinh để trò chuyện trực tiếp thì phải mời em đó đứng trước camera để 2 cô trò nói chuyện với nhau qua màn hình."

Không chỉ đối với bộ môn Tiếng Anh, đối với các giáo viên Âm Nhạc cũng đang phải gồng lên để đảm bảo chương trình học cho học sinh do thiếu giáo viên. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường Tiểu học Thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông nói: "Thiếu giáo viên Âm Nhạc thì chúng tôi vẫn phải dạy đảm bảo số tiết của các lớp trong tuần và thường giáo viên Âm Nhạc sẽ kiêm nhiệm thêm Tổng Phụ trách Đội. Công việc rất vất vả bởi các trường ở miền xuôi thuận lợi hơn giáo viên Âm Nhạc sẽ chỉ dạy bộ môn Âm Nhạc của mình thôi, còn chúng tôi ở đây sẽ phải làm 2 nhiệm vụ như thế sẽ vất vả hơn nhiều. Theo quy định tôi chỉ dạy 8 tiết/ 1 tuần kiêm nhiệm Tổng Phụ trách Đội nhưng hiện tại vì thiếu giáo viên nên tôi phải dạy hết 13 tiết/1 tuần và kiêm Tổng Phụ trách Đội.'

Năm học vừa qua, các cấp học của huyện Điện Biên Đông thiếu khoảng 90 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất ở bộ môn Tiếng Anh. Năm học 2024 – 2025, huyện đang phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn do việc thiếu giáo viên chuyên biệt. Để giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên chuyên biệt này, trước mắt sẽ yêu cầu các đơn vị giáo dục trong toàn huyện không giao nhiệm vụ chủ nhiệm hoặc kiêm nhiệm khác nhằm giúp cho giáo viên chuyên biệt tập trung vào chuyên môn chính.

Ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: "Năm học 2023 – 2024 đối với giáo viên Tiếng Anh là thiếu nhiều nhất, năm học 2024 – 2025 thì đội ngũ giáo viên này càng thiếu nhiều hơn, cấp tiểu học thiếu 21 giáo viên, THCS thiếu 5 giáo viên. Tình trạng để giáo viên Tiếng Anh phải dạy liên trường, liên cấp gây cho giáo viên rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là vấn đề đi lại của các thầy, cô giáo trong mùa mưa lũ vì giữa các trường trên địa bàn cũng xa nhau. Về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông cũng nỗ lực chuẩn bị nguồn kinh phí làm sao để đáp ứng lại một phần khó khăn cho giáo viên đó là chế độ tăng giờ được đáp ứng đầy đủ."

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, năm học này ngành giáo dục địa phương thiếu khoảng 2.076 cán bộ. Trong đó khó khăn nhất là thiếu gần 300 giáo viên các môn chuyên biệt, riêng môn Tiếng Anh thiếu 110 giáo viên. Nguyên nhân được cho phần đa là chưa có cơ chế tốt để thu hút giáo viên chuyên biệt lên công tác ở vùng biên giới. Sinh viên được đào tạo chuyên biệt các bộ môn này khi ra trường chỉ muốn làm việc ở các thành phố lớn có thu nhập cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: Dù Sở và các huyện đều ưu tiên biên chế để tuyển loại hình giáo viên này, thậm chí cử đoàn công tác đến một số trường đào tạo chuyên biệt, tuy nhiên nguồn tuyển vẫn rất hạn chế.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo rà soát, bố trí sắp xếp giáo viên Tiếng Anh hiện có dạy các trường trong cùng huyện theo phương án: 1 giáo viên có thể dạy 2 trường, giáo viên THCS có thể dạy tiểu học. Đề nghị các địa phương đầu tư trang thiết bị để dạy học trực tuyến, ưu tiên kinh phí chi trả tăng giờ cho giáo viên.

Ngoài ra cũng thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ phương pháp, phần mềm dạy tiếng Anh trực tuyến trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm học 2024-2025. Tổ chức đào tạo chuyên ngành ngôn ngữ Anh cho 32 học viên theo hình thức vừa làm vừa học và lựa chọn, cử 45 học sinh đi học Đại học sư phạm tiếng Anh theo hình thức cử tuyển.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên nói: "Vì thiếu giáo viên Tiếng Anh nên chúng tôi phải có những giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt là đề nghị các huyện thuận lợi giúp các huyện khó khăn để dạy học trực tuyến. Ví dụ như đối với Điện Biên Đông có 11 trường thiếu giáo viên thì đề nghị Thành phố Điện Biên Phủ sẽ hỗ trợ dạy trực tuyến. Bên cạnh đó bố trí lựa chọn học sinh cử đi học cử tuyển. Với phương án đó lâu dài cũng có thể cơ bản sẽ đáp ứng được nhu cầu giáo viên chuyên biệt Tiếng Anh cho tỉnh".

Năm học này, ngành giáo dục Điện Biên sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn vì thiếu giáo viên, nhất là giáo viên chuyên biệt. Các thầy, cô giáo sẽ phải tiếp tục gồng gánh đảm bảo chương trình học cho liên cấp, liên trường được giao theo phương pháp dạy học trực tuyến, dù thực tế chứng minh không thực sự hiệu quả nhất là đối với bộ môn Tiếng Anh. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt 45 chỉ tiêu đào tạo Đại học sư phạm Tiếng Anh. Đồng thời đề nghị bộ tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt cho các cơ sở đào tạo giáo viên để các địa phương có thêm nguồn tuyển, tháo gỡ khó khăn này./.

Vũ Lợi/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC