Tạo nền tảng để Tây Nguyên vững tin vào giai đoạn mới
Thứ tư, 14:35, 22/01/2025 Minh Huệ/VOV Tây Nguyên Minh Huệ/VOV Tây Nguyên
VOV4 - Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, quy mô kinh tế của vùng Tây Nguyên đã đạt hơn 484 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 78,5 triệu đồng, tăng 16% so với năm trước. Sang năm 2025 này, với một loạt các dự án đường bộ cao tốc đang triển khai, sẽ tạo nền tảng để khu vực Tây Nguyên phát huy tiềm năng thế mạnh, vững tin bước vào giai đoạn mới.

Giữa cái nắng, cái gió ầm ào của mùa khô Tây Nguyên, tiếng máy reo vui trên công trường gói xây lắp 3, dự án thành phần 3 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Anh Nguyễn Đình Lợi, cán bộ kỹ thuật tại đây, cho biết, gần trăm công nhân cùng 60 phương tiện các loại đang thi đua đẩy nhanh tiến độ thi công.

Anh Lợi nói: “Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “vượt nắng thắng mưa”, anh em cán bộ, kỹ thuật, công nhân, lái xe, lái máy thực hiện thi công 3 ca 4 kíp; tinh thần quyết tâm cao lan tỏa trong toàn bộ công trường.”

Cũng trên dự án cao tốc nối Buôn Ma Thuột với Khánh Hòa, hàng chục công nhân và phương tiện máy móc đang cấp tập khoan núi, mở hầm xuyên đèo Phượng Hoàng. Theo ông Ngô Hiểu Khoa, Giám đốc ban điều hành Tập đoàn Đèo Cả, hầm Phượng Hoàng dài 1,7 km cùng với 10 cây cầu thuộc gói thầu có tổng chiều dài 11 km sẽ thi công vượt tiến độ.

Ông Khoa tự tin khẳng định: “Với điều kiện như hiện tại thì chúng tôi đảm bảo cuối năm 2025 sẽ thông hầm Phượng Hoàng, các hạng mục cầu thì sẽ hoàn thành phần thân bệ và gác dầm.”

Cùng với Dự án đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa (dài 117,5km) đang tăng tốc thi công, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên cũng đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để khởi công một loạt các tuyến cao tốc liên vùng.

Tại tỉnh Đắk Nông, các sở ngành, chính quyền địa phương đã sẵn sàng cho việc thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh tập trung nguồn lực phối hợp với tỉnh Bình Phước để xây dựng cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành (dài 128,8km) hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành theo đúng tiến độ năm 2027.

“Chắc chắn năm 2025 khởi công đường này, đó là mệnh lệnh của Đảng, Nhà nước về đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành. Phía tỉnh Bình Phước đã khởi công đường từ Chơn Thành đi Bình Dương và kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, thì khi mà cao tốc nối Gia Nghĩa với Chơn Thành sẽ mở ra bước ngoặt rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông.” - Ông Hồ Văn Mười nói thêm. 

Phía tỉnh Lâm Đồng, chính quyền địa phương đang phối hợp với tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục lập dự án cao tốc Nha Trang – Liên Khương (dài gần 100km). Đồng thời, hai tuyến cao tốc nối Lâm Đồng với vùng Đông Nam Bộ là Tân Phú – Bảo Lộc (66km) và Bảo Lộc – Liên Khương (73km) cũng đang được tháo gỡ các vướng mắc để triển khai thực tế.

Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nêu rõ: “Độ dài tuyến đường không thay đổi nhưng mà phải điều chỉnh vì những lý do chủ quan, khách quan. Với cả hai dự án thì tỉnh Lâm Đồng đã quyết liệt làm các thủ tục để có thể triển khai và năm 2025 bứt tốc”.

Đẩy nhanh việc triển khai các dự án giao thông kết nối Tây Nguyên là một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên vừa diễn ra ngày đầu năm 2025. 

Ông Rah Lan Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết: Một số dự án mà hiện nay Gia Lai rất quan tâm, là: nâng cấp Cảng hàng không Pleiku, đầu tư xây dựng cao tốc Pleiku – Quy Nhơn, cao tốc Bắc – Nam phía Tây, tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên, tuyến giao thông kết nối vùng Ayun Pa (Gia Lai) với huyện Ia Hleo (Đắk Lắk), thứ 6 là tuyến đường kết nối Gia Lai – Phú Yên. Ông Rah Lan Chung đề nghị trung ương có các cơ chế chính sách ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Quyết định 377 của Thủ tướng Chính phủ.

Khu vực Tây Nguyên có nhiều thế mạnh về cây công nghiệp với những ngành hàng tỷ đô, cùng tiềm năng du lịch rất lớn về sinh thái, văn hóa… Bên cạnh sự đầu tư từ trung ương, các địa phương cần phát huy nội lực, tăng tốc mạnh mẽ để tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Gia Lai gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: “Chúng ta phải xác định quyết tâm cao, suy nghĩ lớn, tạo những nền tảng cần thiết ngay từ trong năm 2025 để vững tin bước vào giai đoạn mới, xác định những định hướng phát triển cho nhiệm kỳ tới, và tầm nhìn 2045 đất nước ta thế nào, địa phương ta thế nào? Chúng ta quyết tâm phải phát triển Gia Lai thành tỉnh khá ở Tây Nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, phong phú đặc sắc về văn hóa, bền vững về mặt xã hội và môi trường, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”. 

Năm 2024, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa như mong muốn, nhưng quy mô GRDP của vùng Tây Nguyên đạt trên 484 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân ước đạt 78,5 triệu đồng/người, tăng 16% so với năm 2023. Năm 2025 này, khi một loạt các dự án đường bộ cao tốc triển khai, sẽ là nền tảng để Tây Nguyên tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, vững tin bước vào giai đoạn mới./.

Minh Huệ/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC