Thầy trò vùng cao Sơn La vượt khó “nuôi con chữ”
Thứ tư, 10:49, 23/11/2022 Trấn Long/VOV Tây Bắc Trấn Long/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Về xã biên giới Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La mới hiểu hết những vất vả, khó khăn của các thầy, cô giáo trong hành trình mang tri thức đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Trường tiểu học Phiêng Pằn nằm ở xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Đây là ngôi trường duy nhất của huyện Mai Sơn mà toàn bộ đường đến 8 điểm trường lẻ đều là đường dốc cao đầy sỏi đá, nắng thì bụi, mưa thì trơn trượt khó đi; điểm trường ở xa nhất cách 26km là đường núi hiểm trở, đi lại rất khó khăn.

Quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nên các phụ huynh nơi đây chủ yếu phó mặc việc học tập của con em mình cho các thầy, cô giáo. Chính vì lẽ đó, việc dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn cần sự tâm huyết, lòng yêu nghề, yêu con trẻ của các thầy cô.

Đường vào điểm trường Ta Vắt toàn dốc cao, đầy đất đá và vô số ổ voi, ổ gà, vì vậy, các thầy cô thường ở lại điểm trường cả tuần, chiều thứ 6 về thăm gia đình, chiều chủ nhật phải vào sớm để nhỡ thời tiết xấu không bị lỡ buổi lên lớp sáng thứ 2. Mỗi chuyến đi như vậy, các thầy cô thường mang thực phẩm cho cả tuần. Xe máy thì phải dùng dây xích cuốn vào bánh đề phòng trời mưa, đường trơn trượt. Vì dốc cao, đường trơn trượt nên việc bị ngã hay đổ xe là chuyện bình thường, có những đoạn xe không thể qua được thì gửi xe vào nhà dân rồi tiếp tục đi bộ.

Thầy Lường Minh Điện- một giáo viên nhà trường chia sẻ, kỷ niệm nhớ nhất với tôi là một ngày tôi cùng các đồng nghiệp hẹn nhau 1 rưỡi bắt đầu xuất phát từ nhà mà đến 7 giờ tối mới tới nơi vì đường quá dính và trơn, không thể đi được, anh em vừa đi vừa đẩy xe cho nhau. Tuy nhiên không quản đường xá xa xôi, chúng tôi sẵn sàng hy sinh tất cả vì các em học sinh thân yêu.

Với đặc thù gần 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong giảng dạy, các thầy, cô giáo đã chọn những phương pháp truyền thụ kiến thức dễ hiểu nhất để giảng bài cho các em học sinh.

Với học sinh lớp 1, khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn hạn chế, nên cô giáo phụ trách lớp vừa sử dụng tiếng Việt, vừa nói bằng tiếng Mông, tiếng Sinh Mun để hướng dẫn các em tập đọc, tập viết. Các thầy, cô cũng yêu cầu học sinh tăng cường nói tiếng phổ thông trong các giờ học, luyện tập cách phát âm, giúp các em từng bước tiến bộ và thu hẹp khoảng cách với giáo viên về rào cản ngôn ngữ.

Các thầy, cô cũng tổ chức dạy thêm cho các em học sinh vào một số buổi tối trong tuần, nhằm tăng số giờ học tiếng Việt, giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn và thành thạo hơn trong giao tiếp:

Cô giáo Quàng Thị Dung cho biết, nhận thức của các em còn rất non nớt, nhiều kiến thức cơ bản các em chưa biết, thậm chí hộp bút chì hay cục tẩy các em chưa thấy bao giờ. Tôi thường xuyên sử dụng hình ảnh, những kiến thức cuộc sống, thậm chí là những ngôn ngữ của các em để truyền đạt sao cho các em hiểu được nghĩa của từ và nắm bắt được kiến thức tốt hơn.

Toàn trường tiểu học Phiêng Pằn hiện có 206/797 học sinh ăn bán trú tại trường. Mặc dù trường không có chế độ bán trú, nhưng các thầy cô giáo đã đứng ra vận động xã hội hoá làm được một dãy nhà nội trú kiên cố và có những bữa ăn tập thể tươm tất.

Đối với những điểm trường chưa thể triển khai nấu ăn bán trú, nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh để tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho các em học sinh ở tại trường:

Thầy giáo Cà Văn Hưng, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, theo Nghị quyết 140 của UBND tỉnh thì mỗi 1 trường được phép tổ chức nấu ăn cho các cháu một điểm trường, nên trường có 4 điểm trường có học sinh bán trú thì mới chỉ 1 điểm trường tổ chức nấu ăn được; các điểm còn lại còn khó khăn về nhà ở, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cháu, nhưng nhà trường cũng đã phối hợp, động viên phụ huynh hàng tuần, hàng ngày có phụ huynh đến ở cùng học sinh, tổ chức nấu ăn cho học sinh, có những phụ huynh mang cơm đến cho các em hoặc những phụ huynh đi làm xa, vất vả quá thì các em tự nấu ăn nhưng có sự quản lý, giám sát của các thầy, cô giáo và phụ huynh.

Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh bỏ học của trường Tiểu học Phiêng Pằn không đáng kể; tỷ lệ huy động học sinh đến lớp đạt 100%; trường duy trì Phổ cập xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 2. Đây là phần thưởng xứng đáng đối với các thầy, cô giáo ở vùng biên trong việc vận động nhân dân cho trẻ đến trường.

Bà Tòng Thị Lý, Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tập thể nhà trường luôn đoàn kết và tìm ra những giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác dạy và học cũng như  công tác nấu ăn bán trú cho học sinh. Hơn nữa học sinh ở bán trú cả ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tìm hiểu tính cách các em, từ đó định hướng, có giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như rèn luyện kỹ năng sống cho các em.

Hành trình vượt khó “nuôi con chữ” của những “Người lái đò” ở trường tiểu học Phiêng Pằn dẫu còn nhiều gian nan, vất vả, nhưng với ngọn lửa nhiệt huyết, lòng yêu nghề, các thầy, cô giáo ở nơi biên cương của Tổ quốc vẫn đang ngày đêm miệt mài mang tri thức đến với các em nhỏ nơi đây, với mong muốn giúp các em có tương lai tươi sáng, trở thành công dân có ích trong tương lai, góp sức xây dựng vùng biên phát triển./.

Một số hình ảnh về hành trình mang con chữ lên vùng cao của thầy và trò trường Tiểu học Phiêng Pằn

 

Trấn Long/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC