Tìm thảo dược núi rừng về làm hương thơm bán kiếm tiền tiêu tết
Thứ tư, 15:29, 10/01/2024 Thanh Hiếu/VOV miền Trung Thanh Hiếu/VOV miền Trung
VOV4.VOV.VN - Cuối năm âm lịch, người dân làng nghề ở thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình lên rừng tìm mua thảo dược, nguyên liệu làm hương thủ công bán kiếm tiền tiêu tết. Những ngày này, làng nghề 300 năm tuổi nơi đây đượm mùi thơm của hương trầm. Ai cũng tất bật chuẩn bị hàng cho vụ Tết.

 

Làng hương truyền thống ở thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch những ngày này trở nên bận rộn hơn. Bước qua cổng làng, mùi hương thơm đã thoang thoảng nhẹ dịu. Từng sân nhà, khoảnh vườn, người dân đem từng que hương vừa mới được làm thủ công ra phơi nắng.

Anh Trần Đình Doãn, ở thôn 1 Quyết Thắng, xã Thanh Trạch nối nghề làm hương của thế hệ trước trao truyền. Trong làng, hầu như gia đình nào cũng làm hương, vừa là kiếm tiền dịp Tết và cũng là cách để giữ lửa làng nghề. Anh Doãn tâm sự, làng hương Quyết Tiến đã được công nhận là làng nghề truyền thống nhưng vẫn chưa xây dựng được hợp tác xã, do vậy chưa có thương hiệu riêng, đóng gói nhãn mác và chỉ dẫn địa lý. Vì thế, giá thành chưa được cao và sản phẩm chưa được tiêu thụ rộng rãi.

"Ngày thường thì vẫn có công ăn việc làm cả nhưng dịp cận tết thì nhà nhà đều làm hương lấy công làm lãi, làm hương để cuối năm kiếm tiền khoảng 30-40 triệu tiêu tết. Ở đây thì 80% hộ dân trong thôn đều làm hương”. - Anh Trần Đình Doãn cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, ở thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch có hơn 20 năm làm nghề hương, mỗi ngày gia đình bà làm ra 3.000 - 4.000 cây hương. Bà Ngọc mô tả cách làm hương thủ công như cầm que tre nhúng vào keo dính làm từ bột sắn, bỏ vào hộp xốp, rắc bột hương lên rồi lắc đi lắc lại rồi đem phơi. Hương làm phải theo các công đoạn sản xuất sao cho có mùi thơm dịu nhẹ, cháy đượm lâu tàn, làm nổi bật được mùi hương đặc trưng của hương trầm Quyết Thắng. Theo bà Ngọc, nghề làm hương ở làng đã tồn tại hơn 300 năm nay. Trải qua thời gian dài lúc thịnh, lúc suy nhưng người dân trong làng vẫn quyết giữ được nghề cho đến này hôm nay.

Tỉnh Quảng Bình có 30 làng nghề truyền thông. Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít  thách thức. Bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết góp phần quan trọng trong nỗ lực "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau. Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết, khó khăn của các làng hiện nay là tìm lao động trẻ tâm huyết, muốn giữ nghề truyền thống để tạo sinh kế, thu nhập. Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra của sản phẩm từ càng làng nghề hiện nay rất khó khăn nếu không đổi mới và nâng cao chất lượng. Sở Công Thương và các địa phương hỗ trợ các làng nghề mở rộng quy mô, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề truyền thống đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu, quảng bá để sản phẩm làng nghề vươn ra thị trường lớn. Theo ông Phan Hoài Nam, ngành nghề truyền thống đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn, chính vì vậy, vai trò của những người “giữ lửa” làng nghề hết sức quan trọng./.

Thanh Hiếu/VOV miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC