Truyền dạy để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ở Than Uyên
Thứ năm, 06:35, 10/10/2024 Khắc Kiên/ VOV Tây Bắc Khắc Kiên/ VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Từ thực tế nhiều nét văn hoá đang có nguy cơ dần mai một, tỉnh miền núi Lai Châu đã chú trọng công tác truyền dạy nhằm làm tốt việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc trên địa bàn. Qua đó, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

 

 

Trong không gian ấm cúng của nhà lớp học tại Trung tâm dạy nghề huyện Than Uyên, đều đặn 2 buổi mỗi ngày, lớp học chữ Thái với 30 học viên ở nhiều lứa tuổi diễn ra trong không khí sôi nổi, hăng say. Chị Điêu Thị Ngàn, học viên lớp học cho biết, từ trước đến giờ, các anh chị và bố mẹ cũng chỉ biết nói thôi chứ chưa biết được chữ Thái. Qua lớp học chữ này, chị Ngàn mong muốn sẽ biết đọc, biết viết chữ dân tộc mình để sau này truyền dạy lại cho các con, các cháu.

Bằng niềm tự hào và sự trân quý bản sắc văn hóa dân tộc mình, nghệ nhân ưu tú Lò Văn Sơi, ở xã Mường Cang, huyện Than Uyên - giáo viên lớp học không quản mưa, nắng, mỗi ngày đều đến lớp tận tâm truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cho các học viên. Nghệ nhân Lò Văn Sơi cho rằng, đã là người Thái, muốn nói được tiếng Thái thì cũng nên biết được mặt chữ mới có thể hiểu gãy góc ý nghĩa của ngôn từ trong tiếng Thái. Nghệ nhân lo sợ chữ viết của dân tộc mình rồi sẽ mai một nên đã truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Ông cũng đã viết lại các đầu sách, với hơn 30 tác phẩm nhằm lưu giữ cho con cháu mai sau. 

Tại nhà văn hóa bản Mè, xã Ta Gia, huyện Than Uyên, lớp học tạo hình trang phục dân tộc Khơ Mú cũng đã được duy trì từ nhiều ngày nay. Hơn 30 học viên, từ những cô gái trẻ đến những phụ nữ trung tuổi ai nấy đều chăm chú lắng nghe và làm theo từng bước tay nghề điêu luyện của người truyền dạy. Chị Phong Thị Dung, học viên lớp học bày tỏ, học lớp này, chị đã biết cách may trang phục của người Khơ Mú, giữ gìn được bản sắc dân tộc. Chị mong muốn sau này các thế hệ sau cũng sẽ giữ gìn được bản sắc văn hóa này. 

Không khí hăng say, nhiệt huyết của lớp học đã làm giảm đi nỗi trăn trở về việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc của chính quyền địa phương. Theo ông Quàng Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, hiện nay trang phục gốc của người Khơ Mú không còn nữa. Kỹ thuật may một bộ trang phục dân tộc, nhiều người trẻ bây giờ cũng không nắm được. Qua điều tra tình hình thực tế tại thôn, bản, chính quyền xã cũng đề nghị với UBND huyện Than Uyên mở lớp truyền dạy tạo hình trang phục dân tộc Khơ Mú. Ông mong muốn là giáo viên sẽ truyền dạy cho bà con nắm được kiến thức, tạo hình mẫu và mọi người sẽ biết cắt may hoàn chỉnh bộ quần áo của dân tộc Khơ Mú.

Thực hiện Nghị quyết 02 của Đảng bộ huyện “về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 – 2025", từ năm 2021 đến nay, cơ quan chuyên môn đã mở hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa truyền thống gắn với hoạt động du lịch cho đồng bào các dân tộc địa phương. Từ các lớp học, đồng bào các dân tộc đã nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng bản làng, quê hương mình thành các điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách.

Bà Lương Thị Tý, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết: sau đào tạo, các lớp học này đã góp phần thu hút đáng kể lượng khách du lịch đến với địa phương. Từ đầu năm đến nay, huyện đã đón gần 300 nghìn lượt khách; trong đó, phần lớn đều bày tỏ sự yêu thích khi được tham quan, trải nghiệm các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tại địa phương./. 

Khắc Kiên/ VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC