Người Việt tiêu thụ đường gấp đôi khuyến cáo
Thứ năm, 11:02, 27/07/2023 Văn Hải Văn Hải
VOV4.VOV.VN - Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ hơn 46g đường mỗi ngày, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo.

 

 

 

Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ hơn 46g đường mỗi ngày, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở nước ta cũng tăng rất nhanh, gần 20% mỗi năm. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng. Cứ 5 người trong độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi thì có 1 trường hợp bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người trưởng thành hiện chiếm gần 20%, tăng gấp đôi trong 10 năm qua.

Vậy cơ chế gây hại của việc lạm dụng đường và đồ uống có đường diễn ra như thế nào?

Mỗi lon nước ngọt sản xuất công nghiệp dung lượng 330ml, chứa tới 35g đường, được rất nhiều bạn trẻ uống mỗi ngày. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên tiêu thụ đường dưới 25g/1 ngày. Điều đó có nghĩa là hiện nay, nhiều người đang lạm dụng đồ uống có đường, gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.

Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận một nam bệnh nhân 20 tuổi vào cấp cứu trong tình trạng đường máu tăng cao sau một thời gian dài uống khoảng 2 lít nước ngọt có ga một ngày. Trước đó bệnh nhân này được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường và béo phì độ 1 (cao: 1,7m; nặng 98kg). Tiến sĩ, bác sĩ Nghiêm Nguyệt Thu, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguyên nhân gây thừa cân béo phì chủ yếu là khẩu phần ăn uống thừa năng lượng, nhiều chất béo và nhiều đường.

 

 

“Gần đây, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh ở tất cả các lứa tuổi. Ở Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân thừa cân béo phì đến khám. Chúng tôi cũng ghi nhận một số yếu tố nguy cơ đối với người thừa cân, béo phì, đó là họ ăn uống nhiều năng lượng hơn so với nhu cầu của cơ thể. Năng lượng đó từ nguồn thực phẩm quá nhiều chất béo, chất bột, đường. Trong đó, việc uống các loại đồ uống có đường hàng ngày như nước ngọt có ga, trà sữa…làm tăng năng lượng”- Tiến sĩ, bác sĩ Nghiêm Nguyệt Thu.

Kết quả nghiên cứu đã chứng minh, một người trưởng thành ăn uống bình thường nhưng lại uống thêm mỗi ngày một lon nước ngọt có ga, nguy cơ sẽ tăng gần 7 kg trọng lượng cơ thể, nếu sử dụng liên tục trong vòng 1 năm. Với mỗi trẻ em uống 355ml nước ngọt có đường mỗi ngày (tức là hơn 1 lon) thì tỷ lệ mắc bệnh béo phì tăng lên 60% sau 1 năm rưỡi theo dõi.

 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Hóa sinh và Chuyển hóa dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia lý giải cơ chế gây hại khi lạm dụng đồ uống có đường: “Những loại đường phổ biến mà nhà sản xuất cho vào đồ uống có đường thường là nhũng loại đường thúc đẩy tăng insulin, tăng kích thích tế bào mỡ, làm tăng dự trữ chất béo trong cơ thể. Các đồ uống có đường làm tăng cảm giác đói và giảm cảm giác no thông qua cơ chế sau: Đường đơn và đường đôi có trong đồ uống khi vào cơ thể được hấp thu rất nhanh qua tiêu hóa, làm tăng nhanh lượng đường trong máu. Cũng từ đó kích thích não giải phóng ra 2 loại hormone serotonin và endorphins, khiến người sử dụng có cảm giác thoải mái và thư giãn. Bởi vậy, lại muốn ăn nhiều hơn”.

Các nhà khoa học trên thế giới đã có bằng chứng về việc uống nước ngọt thường xuyên có thể khiến cơ thể tăng cân nhanh chóng. Trong khi đó, 20 năm qua, mức tiêu thụ đồ uống có đường trên đầu người tại Việt Nam lại tăng gần 10 lần, từ 6 triệu lít (năm 2002) lên 55 triệu lít (năm 2021). Hiện mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt là hơn 46 gam/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) lo ngại về tình trạng lạm dụng nước ngọt có ga (chứa nhiều đường) trong giới trẻ hiện nay.

 “Theo khảo sát của chúng tôi, tỷ lệ sử dụng nước ngọt có ga rất cao, cứ 3 bạn trẻ được hỏi thì có 1 bạn sử dụng nước ngọt có ga. Tỷ lệ thừa cân béo phì cũng tăng rất nhanh, tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Năm 2010 tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì là 5,6% , năm 2020 là 11,1%. Người từ 5 đến 19 tuổi năm 2010 là 8,5%, năm 2020 là 19%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người trưởng thành hiện nay là gần 20% cũng đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua” - Tiến sĩ Trương Tuyết Mai.

 

 

Những thực phẩm có chứa đường còn phải kể đến bánh ngọt và nhiều loại kẹo, nhưng vì sao các chuyên gia lại chỉ lo ngại về đồ uống có đường? Về vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị An- Tổ chức HealthBridge (Nhịp cầu sức khỏe Canada) lý giải : “Đường trong thực phẩm dạng lỏng gây hại cho sức khoẻ hơn dạng rắn (bánh, kẹo). Bởi vì đường trong dung dịch lỏng sẽ dung nạp nhanh chóng, khiến não không kịp nhận phản ứng  là cơ thể đã no rồi. Thực tế là có thể uống tới 3 lon nước ngọt 1 lúc, nhưng chỉ ăn 1-2 cái bánh là cơ thể đã phát ra tín hiệu no hoặc chán rồi. Đa số đồ uống có đường chứa loại đường fructose, gây tích mỡ trong cơ thể và kích thích cảm giảm thèm ăn, cần ăn thêm nữa…”

Thừa cân béo phì đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh không lây nhiễm như: huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch… Mỗi năm tại nước ta, số người tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 70%. Đã đến lúc, Việt Nam cần có các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường như: bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường. Bên cạnh đó cần có chính sách về quảng cáo, đặc biệt là những quảng cáo nhằm vào trẻ em…  Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường được coi là chính sách hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí, bởi nó sẽ giảm tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh và khuyến khích sử dụng thực phẩm lành mạnh trong người dân./.

Văn Hải

Viết bình luận

Tin liên quan

Điểm tựa sức khỏe cho người dân vùng biên giới Quảng Trực
Điểm tựa sức khỏe cho người dân vùng biên giới Quảng Trực

VOV4.VOV.VN - Đóng chân trên địa bàn xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Bệnh xá quân dân y Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) đã thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho quân và dân vùng biên, là địa chỉ tin cậy của đồng bào dân tộc thiểu số mỗi khi ốm đau, bệnh tật.

Điểm tựa sức khỏe cho người dân vùng biên giới Quảng Trực

Điểm tựa sức khỏe cho người dân vùng biên giới Quảng Trực

VOV4.VOV.VN - Đóng chân trên địa bàn xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Bệnh xá quân dân y Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) đã thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho quân và dân vùng biên, là địa chỉ tin cậy của đồng bào dân tộc thiểu số mỗi khi ốm đau, bệnh tật.

Người đàn ông người Tày cần chi phí điều trị suy thận
Người đàn ông người Tày cần chi phí điều trị suy thận

VOV4.VOV.VN - Ông Nông Văn Tuyến, 56 tuổi, dân tộc Tày, ở xóm Bản Cắn, xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Nhiều năm qua, ông Tuyến bị căn bệnh suy thận hành hạ, nay lại mắc thêm suy tim, buộc phải phẫu thuật mới mong giữ được sinh mạng. (Chương trình kết nối 1/7)

Người đàn ông người Tày cần chi phí điều trị suy thận

Người đàn ông người Tày cần chi phí điều trị suy thận

VOV4.VOV.VN - Ông Nông Văn Tuyến, 56 tuổi, dân tộc Tày, ở xóm Bản Cắn, xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Nhiều năm qua, ông Tuyến bị căn bệnh suy thận hành hạ, nay lại mắc thêm suy tim, buộc phải phẫu thuật mới mong giữ được sinh mạng. (Chương trình kết nối 1/7)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC