Xóa nhà tạm, mở hướng tương lai cho hộ nghèo ở Lai Châu
Thứ năm, 13:30, 19/12/2024 Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo đang được tỉnh Lai Châu tích cực triển khai. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, tạo động lực thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo bền vững.

 

Gia đình anh Giàng A Chinh, ở bản Dền Thàng A, xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu từng thuộc diện hộ nghèo; nguồn thu nhập chính của 4 nhân khẩu trong gia đình chỉ phụ thuộc vào đám nương nhỏ bố mẹ cho khi anh lập gia đình và ra ở riêng. Căn nhà gần 20m2 làm bằng tre, nứa từ năm 2019 đã xuống cấp nghiêm trọng và thường xuyên mưa dột, gió lùa. Nhờ nguồn hỗ trợ 40 triệu đồng của Nhà nước và khoản vay hơn 120 triệu đồng, gia đình anh đã có căn nhà kiên cố hơn 70m2 để ở.

"Được sự hỗ trợ của Nhà nước; tôi cũng tích được một ít tiền để làm nhà. Bây giờ được bà con nhân dân hỗ trợ công, tôi cũng vay mượn thêm anh em họ hàng nên cũng làm được một căn nhà kiên cố", anh Chinh nói.

Chị Cà Thị Cợi, người dân ở bản Nậm Cáy, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn cũng chia sẻ: "Trước thì nhà tôi cũng nghèo, không có gì và được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng. Bây giờ gia đình cũng làm được nhà rồi nhưng mà cũng vay ngân hàng thêm vào nên đã làm được căn nhà kiên cố hơn. Nhà đã làm xong rồi thì chồng tôi cũng đi làm công ty ở Bắc Giang, tháng cũng được 5 - 6 triệu gửi về để trả lãi ngân hàng. Gia đình cũng cố gắng để làm, phấn đấu lên để có tương lai hơn".

Để việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai theo đúng quy định, đúng đối tượng, cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức rà soát chất lượng nhà ở của các hộ cần xây mới và lập danh sách để làm căn cứ đề xuất hỗ trợ. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn hỗ trợ thêm kinh phí, ngày công để giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo làm nhà mới.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: "Ngay từ đầu năm UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hạ tầng triển khai đến các xã để cho UBND các xã rà soát và đăng ký phê duyệt để triển khai thực hiện trong năm. Đến thời điểm hiện tại các hộ đã triển khai thi công xong và giải ngân được khoảng 4,7 tỷ đồng, với số hộ xây mới khoảng gần 300 hộ và gần 30 hộ sửa chữa nhà".

Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn thì có 12 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo của huyện là gần 38%. Dù điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được các cấp, các ngành ở địa phương triển khai rộng khắp trên địa bàn.

Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: từ năm 2022 đến nay, địa phương đã thực hiện hỗ trợ làm gần 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp bà con có thêm điều kiện để an cư, phát triển kinh tế gia đình.

"Đối với Phong Thổ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, số hộ được hỗ trợ theo đề án là trên 1.000 hộ; và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi hỗ trợ trên 200 hộ. Huyện đã lồng ghép các chương trình mục tiêu, với tiêu chí hỗ trợ 1 căn nhà tối thiểu 30m2 và được hỗ trợ 3 cứng, mỗi hộ được hỗ trợ 40 triệu. Nguồn vốn đó đã giúp bà con thêm tiền sửa chữa nhà tạm, cũng như làm nhà mới để ổn định cuộc sống", bà Sim nói.

Tỉnh Lai Châu hiện còn gần 3.000 hộ dân cần được hỗ trợ làm nhà, trong đó số cần xây mới là trên 2.200 căn. Trong năm tới, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được xác định là mục tiêu chính trị của địa phương. 

Ông Hoàng Kiều Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu cho biết: "Để huy động thêm nguồn lực thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, MTTQ tỉnh đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua. Thứ hai là triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để vận động, huy động nguồn lực, với phương châm ai có tiền thì góp tiền, ai có công góp công hoặc là góp vật liệu xây dựng. Quyết tâm chính trị của tỉnh đã thể hiện rõ trong kế hoạch của UBND tỉnh, trong đó là thực hiện thành công xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn vào năm 2025".

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đã và đang tạo ra sự thay đổi lớn về chất lượng sống của người dân Lai Châu. Đây là một trong những bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững tại địa phương./.

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC