Hiểm họa từ việc sinh con tại nhà ở vùng cao Lai Châu
Thứ ba, 14:40, 09/08/2022 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Thay vì đến các cơ sở y tế, nhiều gia đình ở vùng cao Lai Châu vẫn lựa chọn hình thức sinh con tại nhà. Phong tục này đã và đang là nguyên nhân gây ra những cái chết thương tâm cho sản phụ và trẻ sơ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng dân số.

 

Bố mẹ mình ngày xưa cũng để đẻ ở nhà nên mình nghĩ không cần phải xuống trạm Y tế. Khi vợ mang thai, vợ chồng mình tự quyết định bảo nhau để tự đẻ ở nhà thôi. Khi vợ đẻ, mình trực tiếp đỡ và dùng kéo tự cắt rốn cho con thôi.

Gia đình bảo đưa vợ xuống trạm y tế, nhưng vợ nhất quyết không đi vì xấu hổ. Giờ thì vợ mình mất rồi. Đây là bài học cho bà con khi mang thai không nên để đẻ tại nhà, mà cần đưa đến trạm y tế để khám và được hỗ trợ đẻ tại trạm Y tế.

Đó là lời chia sẻ đầy nước mắt, ân hận, hối tiếc của hai ông bố trẻ người Mông ở xã vùng cao Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ và Thèn Sin, huyện Tam Đường (Lai Châu). Cả 2 đều quyết định để vợ sinh con tại nhà theo phong tục tập quán của dân tộc mình, để rồi người mất con, người mất vợ.

Dù được đầu tư trang thiết bị y tế đầy đủ, có y bác sỹ đào tạo bài bản, nhưng do phong tục, tập quán lạc hậu, nhiều phụ nữ ở các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn lựa chọn tự “vượt cạn” tại nhà. Câu chuyện mẹ chồng đỡ đẻ cho con dâu, hay chồng đỡ đẻ cho vợ vẫn diễn ra phổ biến. 

Hủ tục này phổ biến trong đồng bào dân tộc Mông và có những địa phương tỷ lệ sinh con tại nhà chiếm tới hơn 70%. Để rồi chỉ đến khi đứa trẻ, hoặc người mẹ có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe, thậm chí có nguy cơ tử vong, họ mới đưa đến cơ sở y tế để “cầu cứu” y, bác sĩ.  

Theo thống kê, mỗi năm trên địa bàn có hàng chục bà mẹ, trẻ em tử vong do sinh đẻ tại nhà.

Y sĩ Lê Thị Thu Hà, cán bộ Trạm Y tế xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ chia sẻ: Hàng năm, trạm y tế đề ra chỉ tiêu đẻ tại trạm y tế, cơ sở y tế, nhưng đều không đạt vì thói quen của đa phần phụ nữ tại địa phương chỉ đẻ ở nhà. Có những ca, nhà ở ngay sát trạm y tế, dù được tuyên truyền, vận động nhưng vẫn đẻ tại nhà, tập quán của họ nhiều đời nay vậy rồi. Anh, chị em cán bộ y tế cũng tích cực đi tuyên truyền, nhưng nhận thức của bà con chưa thay đổi được nhiều, tỷ lệ đẻ tại nhà vẫn rất cao.

Việc sinh con tại nhà tại tỉnh biên giới Lai Châu tập trung chủ yếu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn ở các địa phương biên giới vùng cao như Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ. Điển hình năm 2021, tỷ lệ phụ nữ tự sinh con tại nhà tại huyện Sìn Hồ chiếm gần 53%. Dù được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động, nhưng tỷ lệ này trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn là 45%.

Dù được tuyên truyền, vận động nhiều, nhưng do phong tục, tập quán lạc hậu và tâm lý e ngại, nên nhiều phụ nữ vẫn sinh con tại nhà

Lý giải nguyên nhân dẫn tới việc phụ nữ sinh con tại nhà trên địa bàn huyện vẫn chiếm tỷ lệ cao, bác sỹ Nguyễn Trung Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cho biết: do huyện có diện tích rộng, địa hình đồi núi dốc cao, giao thông đi lại khó khăn nên bà con thường ngại di chuyển khi có biểu hiện sinh. Nguyên nhân nữa là đồng bào có phong tục tập quán lạc hậu lâu đời, phụ nữ thường có tâm lý xấu hổ, e ngại khi đến cơ sở y tế thăm khám

Có rất nhiều nguy cơ tai biến khi mà sinh con tại nhà. Tỷ lệ viêm phổi sơ sinh, nhiễm trùng rốn, rồi nguy cơ mẹ bị nhiễm trùng hậu sản cũng rất cao. Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện khuyến cáo bà con đến cơ sở y tế khám và chờ đẻ là tốt nhất. Trung tâm y tế huyện cũng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con trên địa bàn đến cơ sở y tế. Hàng năm trung tâm tiến hành đào tạo cho cô đỡ thôn bản, để làm sao bà con được tiếp cận dịch vụ y tế, cũng như được nhân viên y tế đỡ đẻ tốt nhất.

Chỉ đến khi xảy ra các biểu hiện tiêu cực sau sinh, sản phụ mới được đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, những năm qua mạng lưới y tế cơ sở ở Lai Châu luôn được quan tâm đầu tư để chăm lo sức khỏe cho người dân. Ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, nguồn nhân lực y tế cũng từng bước được tăng cường khi nhiều trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa đã có bác sĩ. Thế nhưng, chất lượng chăm sóc sức khỏe khi sinh cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số vẫn chưa được nâng cao do một bộ phận người dân chưa phối hợp.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, năm 2021, toàn tỉnh có gần 3.000 ca sinh đẻ tại nhà trên tổng số hơn 8.600 ca, chiếm tỷ lệ hơn 34%; 6 tháng đầu năm 2022, tỷ sinh đẻ tại nhà lại gia tăng, khi địa phương ghi nhận gần 1.400 ca/hơn 3.800 ca, chiếm gần 36,4%. Dù ngành Y tế địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, tuy nhiên số phụ nữ sinh con tại nhà vẫn còn cao.

Bác sĩ Phan Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết, Hiện nay đơn vị đang tăng cường chỉ đạo tuyến đối với các trung tâm y tế huyện các đơn vị y tế tuyến cơ sở; tăng cường các dịch vụ y tế lên để giảm tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ tại nhà. Để tăng tỷ lệ phụ nữ đến cơ sở y tế đẻ, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác truyền thông dưới nhiều hình thức, cả trực tiếp như gián tiếp, về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Đơn vị cũng nâng cao về kỹ năng khi đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế trực tiếp làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh tại các tuyến cơ sở.

“Người chửa, cửa mả” là câu nói của người xưa nhắc nhở về sự nguy hiểm của người phụ nữ trong khi sinh con, để nói về mức độ khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với mẹ và trẻ trong quá trình sinh đẻ. Để hạn chế những câu chuyện buồn về sinh đẻ không an toàn tại nhà, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy để tự chăm sóc sức khỏe khi mang thai, sinh đẻ, góp phần giảm tỷ lệ tai biến sản khoa đến mức thấp nhất./.

 

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC