Đắk Lắk: cần cảnh giác với bệnh tay chân miệng
Thứ năm, 10:41, 19/05/2022 Thu Ha bt- 2 ảnh Thu Ha bt- 2 ảnh
VOV4.VN - Những ngày gần đây, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em đến khám và nhập viên do mắc bệnh tay chân miệng. Đáng chú ý, nhiều trường hợp trẻ bị tay chân miệng nhưng cha mẹ không biết, đến khi nhập viện trẻ đã trở nặng.

 

Chăm sóc cháu được hơn 10 tháng tuổi bị bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bà Vũ Thị Hương ở huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk cho biết, 1 tuần trước, gia đình thấy cháu có biểu hiện sốt, quấy khóc, nổi hạt ở lòng bàn tay nên đưa cháu đến Trung tâm y tế huyện điều trị. Sau 2 ngày ở bệnh viện huyện, tình trạng của cháu chưa thuyên giảm nên gia đình chuyển cháu lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bà Hương nhắn nhủ: Trước giờ chỉ coi ti vi, bác sĩ cũng nói bệnh này nguy hiểm nên thấy cháu như thế thì đưa đi bệnh viện. Các mẹ thấy con sốt thì nên đưa đi bệnh viện để bác sĩ thăm khám ngay, không nên để ở nhà rất nguy hiểm.

Cũng chăm con tại khoa Nhi tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk vẫn chưa hết bàng hoàng khi những ngày vừa qua chứng kiến cảnh con mình bị co giật liên tục vì mắc bệnh tay chân miệng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo kể 7h sáng bác sĩ vừa vào khám xong đi ra thì bé lên cơn co giật. Sau 10 phút bé trở lại bình thường. Đến14h thì bé lên một cơn nữa, cỡ 10 phút mà hôn mê 30 phút luôn, là cơn nặng nhất trong ngày. Thật quá nguy hiểm, quá nhanh và trở tay không kịp.

Rửa tay sạch sẽ là biện pháp hiệu quả giúp trẻ hạn chế bị bệnh tay chân miệng

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hiện đang tiếp nhận điều trị nhiều trẻ em bị tay chân miệng, chỉ tính riêng trong 1 tuần gần đây, Khoa đã tiếp nhận điều trị cho hơn 10 bệnh nhân. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh rất dễ lây. Trẻ em thường nhiễm vi rút gây bệnh tay chân miệng khi tiếp xúc trực tiếp dịch mũi, miệng, nước bọt, dịch từ các bọng nước và phân của người nhiễm bệnh hoặc từ những đồ vật nhiễm loại vi rút này như đồ chơi, mặt bàn, nắm cửa…

Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có các triệu chứng như: đau họng, phát ban, nổi bọng nước trên tay, bàn chân hoặc mông. Với các trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến não và để lại một số biến chứng cho trẻ như viêm màng não do vi rút, viêm não.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh này biểu hiện nhiều mức độ khác nhau. Các bậc mẹ nên chú ý khi con có biểu hiện sốt, có những vết loét đầu tiên ở lòng bàn tay bàn chân, ở miệng thì nên đến 1 cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh và xác định mức độ nặng của bệnh để điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, hiện chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn vật dụng, đồ chơi của trẻ. Đối với trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng thì đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./.

 

Nam Trang/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt- 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC