Bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), địa phương từng là điểm nóng xảy ra dịch sốt xuất huyết những năm gần đây. Do tập quán sinh hoạt, bà con thường để đồ đạc, nước đọng quanh nhà nên có rất nhiều loăng quăng, muỗi. Nhưng được cán bộ y tế về tuyên truyền cách phòng dịch, bà con đã có ý thức hơn, tích cực dọn vệ sinh, ngủ màn, nên gần đây, số người bị ốm giảm hẳn.
Chị Quàng Thị Yên, dân tộc Thái ở bản Phiêng Chá, chia sẻ, Được cán bộ y tế về tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết bà con rất vui. Gia đình tôi sẽ luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, không để nước tụ đọng quanh nhà; ngủ thì phải mắc màn và cống rãnh không được để tắc.
Để giúp người dân phòng, chống sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế Sìn Hồ cơ sở II đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với các trạm y tế cơ sở ở các xã vùng thấp tích cực triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Theo đó, đơn vị phân công cán bộ phụ trách tăng cường xuống cơ sở, hỗ trợ các trạm y tế và hệ thống y tế thôn, bản triển khai các biên pháp phòng, chống dịch.
Khơi thông cống rãnh, không để nước đọng quanh nhà là giải pháp phòng dịch sốt xuất huyết hiệu quả.
Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cơ sở II đã áp dụng tốt phương châm “phòng hơn chống”, khi yêu cầu cán bộ tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Từ đó, tập trung tuyên truyền cho người dân vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức về công tác phòng chống dịch bệnh. Đơn vị cũng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, hóa chất, kiện toàn đội chống dịch cơ động và tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, để sẵn sàng đáp ứng khi dịch xảy ra.
Ông Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cơ sở II cho biết, Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch sốt xuất huyết, sốt rét, Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cơ sở II đã có phương án đối phó cụ thể. Trong quá trình làm việc thì chúng tôi cũng chủ động tuyên truyền đến người dân khám chữa bệnh về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Từ đó để người dân hiểu rõ, hiểu sâu hơn về sự nguy hiểm của bệnh và có thái độ đúng mức trong việc đối phó phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác có nguy cơ xảy ra trên địa bàn, UBND tỉnh Lai Châu vừa ban hành công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch. Công văn khẳng định bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Cùng với sự gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết, một số bệnh khác như cúm mùa, tay chân miệng cũng đang vào thời điểm tăng theo mùa và có nguy cơ xuất hiện, lây lan thành dịch. Vì vậy, các cấp, các ngành cần chủ động các giải pháp, sớm phát hiện và không để lây lan thành dịch.
Để chủ động kiểm soát, phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, không để xảy ra trên địa bàn, ngành Y tế địa phương đang chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch, để phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống các loại dịch, nhất là dịch sốt xuất huyết; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, đơn vị về giám sát, phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.
Người dân vùng cao Lai Châu tích cực dọn vệ sinh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Ông Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết: Sở Y tế đã thực hiện tập huấn cho toàn bộ nhân viên khám chữa bệnh, để phát hiện sớm các trường hợp mắc các dịch bệnh nói chung và trong đó có dịch sốt xuất huyết. Sở cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, hóa chất để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Thời điểm hiện nay cũng chưa phát hiện được các véc tơ truyền bệnh ở trên địa bàn tỉnh Lai Châu, tuy vậy Sở cũng không chủ quan, lơ là trong các hoạt động phòng, chống dịch. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường để tránh các véc tơ truyền bệnh, sẵn sàng và chủ động với mọi tình huống có khả năng phát sinh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết trong những năm gần đây mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 95.000 trường hợp mắc bệnh và chi phí điều trị cho mỗi người bệnh thể nặng dengue mất từ 900 nghìn đến 2,7 triệu đồng. Khi mắc bệnh sốt xuất huyết dengue người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị, người thân phải nghỉ làm để chăm sóc, chi phí điều trị người dân phải chi trả không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình.
Dịch sốt xuất huyết đang là gánh nặng kinh tế cho người dân và cộng đồng. Vì vậy, bà con các dân tộc tỉnh Lai Châu, nhất là người dân sinh sống ở các bản vùng sâu, vùng xa cần nhận thức đầy đủ về tác hại của dịch bệnh và cách phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, góp phần giúp chiến dịch phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả./.
Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
Viết bình luận