Phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục Đào tạo về hiệu quả của sự phối hợp với Bộ Tư lệnh Biên phòng
Thứ tư, 00:00, 14/03/2018 Thu Hòa biên tập phỏng vấn + 1 ảnh Thu Hòa biên tập phỏng vấn + 1 ảnh
Mới đây, Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng khu vực biên giới, hải đảo”. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục Đào tạo về hiệu quả của sự phối hợp này, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

 

Nội dung PHỎNG VẤN

 

Thưa ông, từ cuối năm 2011, Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai chương trình phối hợp với mục tiêu là huy động sức mạnh tổng hợp của chính quyền các cấp ở địa phương, tập trung giải quyết tình trạng người mù chữ, tái mù chữ, học sinh bỏ học, thất học ở khu vực biên giới, nhằm duy trì và củng cố kết quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học. Sau 7 năm triển khai, ông có thể đánh giá khái quát về hiệu quả của chương trình này?

 

Ông Nguyễn Hồng Sơn: Chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục – Đào tạo với BĐBP điểm lại chúng tôi thấy rằng có một số nội dung thực hiện khá tốt. Hai bên đã tập huấn nghiệp vụ sư phạm cho hơn 300 cán bộ, chiến sĩ BĐBP tham gia xóa mù chữ, xây dựng điểm 3 trung tâm học tập cộng đồng tại tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh và Tây Ninh. Các đồn biên phòng đã thành lập các tổ, đội công tác đến từng thôn bản xa xôi hẻo lánh để vận động trẻ em bỏ học quay lại nhà trường, vận động những người không biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ. Bên cạnh đó, BĐBP đã triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường” nhận đỡ đầu, chăm sóc hàng nghìn học sinh nghèo vùng biên giới với mức hỗ trợ 500.000 đồng cho một cháu mỗi tháng, có hơn 150 cháu học sinh người Lào và Campuchia. Các thầy giáo quân hàm xanh còn có những việc làm hết sức cụ thể, đó là nấu cơm ăn cho các cháu học sinh hàng ngày, mua xe đạp tặng các cháu đi học…Nhiều tỉnh, thành biên phòng đã thành lập các quỹ khuyến học như Bộ chỉ huy BĐBP Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh… Điều đáng mừng là các trường trung học cơ sở, trung tâm học tập cộng đồng và các đồn biên phòng đã chủ động, sáng tạo, xây dựng được nhiều mô hình xóa mù chữ. Nhờ đó, công tác phổ cập giáo dục đạt kết quả bền vững hơn. Ý nghĩa to lớn hơn cả là dân trí của người dân vùng miền núi, biên giới được nâng lên, qua đó hạn chế việc người dân vi phạm pháp luật.

Theo ông, sau những lớp xóa mù nên có giải pháp nào để tình trạng tái mù chữ không trở lại?

Ông Nguyễn Hồng Sơn: Công tác xóa mù chữ được chia ra một số giai đoạn và hiện giờ là 2 giai đoạn. Thứ nhất là dạy cho người học biết đọc, biết viết, làm phép tính cộng trừ, nhân chia đơn giản. Giai đoạn 2 là bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kiến thức văn hóa của người được xóa mù lên tới trình độ lớp 5 để có cơ hội đi học lên. Nếu dạy xóa mù xong mà không tiếp tục bồi dưỡng nữa thì họ sẽ không học, không cố gắng nữa rất có thể sẽ lại tái mù. Chúng tôi không kỳ vọng người trên 25 tuổi sau khi học xóa mù xong sẽ tiếp tục đi học lên cao. Tuy nhiên, để họ không bị tái mù, chúng tôi khuyến khích họ tham gia sinh hoạt ở trung tâm học tập cộng đồng với các hoạt động giáo dục như phổ biến giáo dục pháp luật, chăm sóc sức khỏe, cách làm kinh tế… làm cho họ không còn cơ hội mù chữ nữa.

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT và Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ phối hợp thực hiện những nội dung gì thưa ông?

Mục tiêu chính của chương trình phối hợp giai đoạn trước là xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học bền vững. Mục tiêu của chương trình phối hợp mới được nâng lên với tên gọi khác hẳn là "Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập ở địa bàn biên giới, hải đảo" và kéo dài đến 2025. Điểm mới trong chương trình phối hợp lần này là công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vẫn là nhiệm vụ trọng tâm và ổn định an ninh xã hội thông qua xã hội học tập. Người dân cần được trang bị kỹ năng nhận biết các ký hiệu giao thông, kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh để giúp họ trong cuộc sống hàng ngày, kỹ năng ngoại ngữ ở các khu du lịch đông khách nước ngoài như Sa Pa (Lào Cai)… Gần đây chúng ta có thêm các mô hình công dân học tập, gia đình học tập, cộng đồng học tập…thành phố học tập… Chúng tôi sẽ đưa ra tiêu chí về những mô hình đó để các địa phương thực hiện, chỉ ra những định hướng để nó hoạt động tốt hơn. Chúng tôi không hy vọng là phủ kín được ngay nhưng ít nhất là mở rộng các trung tâm học tập cộng đồng ra nhất là ở 3 địa bàn trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Thứ hai, công tác tập huấn cũng phải tăng cường bởi nếu không có phương pháp sư phạm không thể đứng lớp được dù là dạy xóa mù. Bên cạnh đó, tiếp tục mở các khóa học tiếng Việt cho trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số. Có như vậy, trẻ em đến lớp mới hiểu cô giáo nói gì, có hứng thú với việc học và không bỏ học. Về kinh phí, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhà hảo tâm thành lập quỹ khuyến học để học sinh đi học ít nhất không bị đói.

Vâng, trân trọng cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn. 

Thu Hòa biên tập phỏng vấn + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC