Đắk Lắk: Khẩn trương ứng phó với căn bệnh Whitmore mới xuất hiện
Thứ sáu, 15:49, 10/06/2022 Thu Ha bt- 2 ảnh Thu Ha bt- 2 ảnh
VOV4.VN - Sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh Whitmore trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ngành Y tế phối hợp với chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát dịch tễ và phòng, chống bệnh.

 

Chiều 8/6, 1 ngày sau khi thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp xuất hiện bệnh nhân Whitmore, nhiều trẻ em trong thôn đã không còn được đi tắm sông, suối như trước.

Em Lương Thị Chi, sinh năm 2007, hàng xóm của trường hợp mắc bệnh Whitmore đầu tiên ở Đăk Lăk cho biết, em không biết đây là bệnh nguy hiểm, nhưng thấy bạn phải đi viện rồi thấy cán bộ y tế tới kiểm tra nguồn nước, phun khử khuẩn xung quanh thì cảm nhận được phần nào mức nghiêm trọng. Bên cạnh nhà xuất hiện người mắc bệnh em rất lo lắng và sẽ không sang chơi lây lan nguy hiểm do căn bệnh có thể chết người.

Sau khi ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với y tế xã và chính quyền địa phương tổ chức xuống nhà bệnh nhân giám sát công tác phòng bệnh. Trạm triển khai lực lượng tiến hành phun diệt khuẩn xung quanh bể nước, các khu vệ sinh, nơi ở của 20 hộ dân xung quanh khu vực nhà của bệnh nhân mắc Whitmore.

Bác sĩ Lê Quang Mạnh, Phó trưởng Trạm Y tế xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn xã có 2 con suối, các cháu nhỏ thường xuyên  ra đó tắm, bắt ốc bắt cua. Trạm Y tế xã sẽ tiến hành tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, phải vệ sinh sạch sẽ, đồng thời  không tiếp xúc với nguồn nước bẩn có khả năng gây nên bệnh Whitmore.

Điều tra yếu tố dịch tễ ở khu vực xung quanh nhà bệnh nhân mắc Whitmore

Liên quan đến tình hình sức khỏe của bệnh nhân mắc Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, đến chiều 9/6, sau 4 ngày nhập viện và điều trị, bệnh nhân đang có tiên lượng nặng, nhiễm trùng máu, viêm màng não. Hiện bệnh viện đang tích cực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Cũng theo bác sĩ Minh, Whitmore là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao. Bệnh nhân sốt liên tục, đang nhiễm trùng máu, đang hy vọng chứ không chắc chắn được điều gì. Bệnh này nó nặng là do cơ thể đáp ứng  thuốc ở các mức độ khác nhau và nó tàn phá rất nhiều các cơ quan trong cơ thể.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm, có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh thông thường, hệ miễn dịch của cơ thể không thể chống lại một cách hiệu quả. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán. Cơ chế lây của bệnh cũng chưa rõ ràng nên người dân càng phải phòng ngừa cẩn thận hơn bằng cách tăng cường vệ sinh.

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, Việc lây truyền từ người sang người thì hiện nay chưa có chơ chế xác minh rõ ràng, nhưng đường lây qua da là chue yếu. Có nghĩa là khi tiếp xúc với nơi đất, bùn, nước nhiễm khuẩn có trực khuẩn Whitmore, thì trực khuẩn Whitmore lây lan qua những vùng da trầy xước và vào cơ thể. Chính vì thế nên cần tăng cường về sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ăn chín uống chín. Hạn chế tiếp xúc với nguồn nước, sình lầy có nguy cơ ô nhiễm, hoặc là vùng có dịch tễ của bệnh Whitmore.

Mặc dù mới chỉ có 1 ca bệnh whitmore trên địa bàn, nhưng với tính chất nguy hiểm của bệnh, đồng thời Đắk Lắk đang là mùa mưa, thuận lợi cho bệnh phát triển, nên ngành y tế Đak Lak đã kịp thời vào cuộc để điều tra yếu tố dịch tễ, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và vật lực để đối phó với diễn tiến của bệnh. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội tuyên truyền cho người dân, để nâng cao ý thức phòng bệnh./.

 

Nam Trang/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt- 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC