Bảo tàng Đắc Lắc lưu giữ giá trị văn hóa đại ngàn
Thứ ba, 00:00, 17/01/2017

(VOV) - Một trong những điểm đến không nên bỏ qua khi du khách đến Buôn Ma Thuột, đó là Bảo tàng tỉnh Đắc Lắc, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Bản thân địa điểm đặt Bảo tàng cũng đã là một di tích.

 

Ấn tượng đầu tiên khi đến Bảo tàng Đắc Lắc là tòa nhà được thiết kế, xây dựng theo phong cách nhà dài truyền thống của người Ê đê; mái nhà được cách điệu như chiếc đàn tơ-rưng khổng lồ. Khuôn viên Bảo tàng là quần thể cây rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở Buôn Ma Thuột, tạo không khí mát mẻ quanh năm.

Được sự sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nên không gian trưng bày, bảo quản hiện vật của Bảo tàng Đắc Lắc rất chuyên nghiệp. Trong số hơn 12.000 hiện vật đã sưu tầm, tích luỹ hơn 40 năm qua, có trên 1.000 hiện vật được Bảo tàng lựa chọn cho trưng bày thường xuyên, gồm 3 phần: Đa dạng sinh học, Văn hóa dân tộc, Lịch sử. Bên cạnh đó, còn có hệ thống thông tin được chuyển tải qua các bài giới thiệu, các chú thích, ảnh, phim... 

 

 Kiến trúc độc đáo của bảo tàng Đắc Lắc


Trong không gian Văn hóa dân tộc, hơn 450 hiện vật được trưng bày thể hiện khái quát đời sống vật chất và tinh thần của 47 dân tộc cùng chung sống. Từ ngôi nhà dài của người Ê đê đến góc bếp của người M'nông hay những cây nêu trong lễ cúng lúa mới của người Gia rai. Nét văn hoá độc đáo trong lễ hội cũng như sinh hoạt đời thường của đồng bào các dân tộc ở địa phương được thể hiện qua các hiện vật như cồng chiêng, rượu cần và các loại nhạc cụ.

 

Đến tham quan Bảo tàng Đắc Lắc vào dịp đầu năm mới 2017, bà Allan France - một du khách Pháp, cảm nhận: "Bảo tàng này rất đẹp, rất hay và quan trọng để tìm hiểu về vùng miền ở đây. Tôi rất hài lòng khi tham quan bảo tàng ở đây. Tôi đã đi nhiều bảo tàng rồi, ở các nước khác bảo tàng thường chuyên biệt chứ không tổng hợp như bảo tàng này. Đến đây, du khách có thể tìm hiểu một cách khái quát nhất về lịch sử, văn hóa và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc bản địa trong thời gian ngắn nhất".

 

Du khách trải nghiệm nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên

 

Cùng với trưng bày thường xuyên, Bảo tàng Đắc Lắc còn tổ chức giới thiệu nhiều chuyên đề: Không gian văn hóa cồng chiêng, Đắc Lắc đổi mới và phát triển, hồi ức Buôn Ma Thuột… Chuyên đề “Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ 20” của bác sĩ người Pháp Jean – Marie Duchange đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách. Bộ ảnh gồm 37 ảnh tái hiện sinh động, chân thực cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ 20.

 

Bảo tàng Đắc Lắc đã tạo nên một phong cách riêng. Bên cạnh hệ thống thông tin được chuyển tải qua đội ngũ hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết, Bảo tàng tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại chỗ trong trưng bày. Ngoài 3 ngôn ngữ chính được dùng thuyết minh cho mỗi hiện vật, Bảo tàng sử dụng cả ngôn ngữ của các dân tộc khác trong tên gọi những hiện vật của chính họ, thể hiện sự tôn trọng chủ thể văn hóa, tôn trọng cộng đồng.

 

Du khách tham quan Bảo tàng


Ông Trần Văn Năm, Trưởng phòng Sưu tầm và nghiên cứu hiện vật bảo tàng Đắc Lắc cho biết: "Tất cả các hiện vật trưng bày ở đây như tượng nhà mồ, các loại nhạc cụ, hay các mô hình, đều do chính chủ thể văn hóa chế tác ra. Những nghệ nhân người Ê đê, Gia rai, M'nông làm ra những hiện vật đó".

 

Được xây dựng ở vị trí khá đặc biệt, ngay  trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, cạnh Khu di tích lịch sử Biệt Điện Bảo Đại có tuổi đời hơn 90 năm, Bảo tàng Đắc Lắc không chỉ là nơi lưu giữa những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên mà còn là một địa chỉ văn hóa hấp dẫn du khách.

 

Ông Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc, cho biết: "Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh xây dựng một số mô hình trải nghiệm trong khuôn viên bảo tàng. Thứ nhất là sẽ xây dựng một nhà dài nguyên bản của đồng bào Ê đê; bên cạnh đó là hoạt động diễn tấu cồng chiêng, các sinh hoạt văn hóa dân gian do đồng bào Ê đê trực tiếp thực hiện. Thứ hai là phục dựng một bến nước - một nét văn hóa hết sức đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên. Thứ 3 là xây dựng một vườn tượng bao gồm các tác phẩm điêu khắc tượng gỗ dân gian của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Hy vọng hoạt động của bảo tàng có nhiều khởi sắc hơn nữa để xứng đáng với tầm vóc bảo tàng loại 1 quốc gia".

 

 

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

 

 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC