Đền Choọng linh thiêng ở miền Tây Nghệ An
Thứ ba, 00:00, 20/09/2016 MInh CT MInh CT

(VOV4) - Khu quần thể di tích đền Choọng ở bản Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An (trước Cách mạng tháng 8 gọi là Mường Choọng) đã tồn tại cả trăm năm nay. Theo các bậc cao niên, đây là khu đền thiêng, mà giai thoại về nó gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

 

Giai đoạn đầu thời Hậu Lê đến những năm 1957, 1958, Đền là điểm sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương và được xem là nơi giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Kinh – Thái sinh sống trên địa bàn. 

Có hai luồng ý kiến khác nhau về nhân vật được thờ chính tại đền. Một luồng ý kiến cho rằng đền Choọng là một phiên bản của đền Chín gian ở Quế Phong, thờ Tạo Mường là chính. Tuy nhiên luồng ý kiến này không được sự đồng thuận của nhân dân Mường Choọng. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng đền Choọng được xây dựng để thờ Nang Phốm Hóm (tức nàng Tóc Thơm) – người có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Luồng ý kiến này được nhiều người đồng tình.

 

Chuyện về nàng Tóc Thơm

 

Ông Lương Dương Nga, người Thái, ở Bản Hiêng, xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp kể: Nàng Tóc Thơm ban đầu chưa có tên thế đâu. Theo bố tôi kể, ngày đó đặt tên đẹp sợ ma bắt cho nên đặt tên rất xấu. Nàng này khi mới sinh tên là Nang Lé, nghĩa là cái đĩa. Cho nên Mường Choong này không gọi cái đĩa là mà gọi là cái tợt vì sợ trùng với tên nàng. Nang là gì? Ngày xưa con gái là nang, mà con trai là tạo (tương tự chữ lót "thị" hay "văn" trong tên của người Kinh - PV). Mẹ của nàng là bà Pa Thai. Mà bà Pa Thai và nàng Tóc Thơm dệt thổ cẩm cực kì giỏi, vừa lo quyên góp quân lương cả vùng này. Vùng này có 100 hộ thôi nên ngày mang lương thực thực phẩm đến cho nghĩa quân thì gọi là lễ Bách hộ. Đấy là theo các cụ kể lại".

Toàn cảnh đền Choọng. Ảnh: dantri.com

 

Cuối năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An. Trên đường vào giải phóng miền Tây xứ Nghệ, nghĩa quân dừng chân ở nhiều nơi, chiêu binh mãi mã, chuẩn bị cho các trận đánh lớn. Trong thời gian nghĩa quân Lam Sơn đồn trú tại Mường Choọng để tuyển quân và tích trữ lương thảo, nàng Phốm Hóm đã vận động nhân dân trong mường đi theo nghĩa quân và được nghĩa quân tin tưởng giao cho trọng trách quyên góp quân lương. Hàng ngày, sau khi lo xong công việc, nàng lại ra bến nước ven dòng Nậm Choọng gội đầu. Một hôm, nàng vô ý đánh rơi lược xuống sông, trong lúc cố với vớt lược, không may ngã xuống dòng nước xiết mà vong thân. Nghĩa quân và người dân Mường Choọng tiếc thương nàng, lập đền thờ cúng.

 

Tương truyền, nàng Phốm Hóm là con gái của một gia đình nghèo ở xứ Mường Choọng. Từ nhỏ nàng đã có một mái tóc óng mượt luôn tỏa hương thơm ngát. Nàng Phốm Hóm vô cùng xinh đẹp, nết na nên dân bản rất yêu quý. Một tướng của Lê Lợi đem lòng yêu thương, thề non hẹn biển cùng nàng. Theo ông Vi Mạnh Hùng, ở bản Bàng, xã Châu Lý: Có truyện khác lại kể, trên đường nghĩa quân Lam Sơn hành binh, chính vua Lê Lợi đã kết hôn với một cô gái Thái là Pa Thai và sinh ra nàng Tóc Thơm này. 

 

Sau khi được xây dựng, đền trở thành điểm sinh hoạt tâm  linh của người dân vùng Mường Choọng với lễ hội cầu cho quốc thái dân an được tổ chức vào ngày rằm tháng 6 âm lịch hàng năm. Đến khoảng năm 1957, 1958, do tác động của bối cảnh lịch sử, đền bị dỡ bỏ. Song, những câu chuyện về nàng Tóc Thơm vẫn được đồng bào Thái ở Mường Choọng lưu truyền.

 

Đền Choọng được xây mới trên nền đất cũ. Ảnh: baonghean.vn

 

Thuận theo ý dân, năm 2014, lãnh đạo huyện kết hợp cùng Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp đã phục dựng khu quần thể di tích đền Choọng, giữ nguyên hướng và kích thước ban đầu, gồm Thượng điện, Hạ điện ngay trên khu nền cũ, am thờ bà Pa Thai, miếu Sơn thần, Nghi môn, hồ bán nguyệt, với khuôn viên rộng hơn 41.000 mét vuông.

 

Với người dân Mường Choọng và các vùng lân cận, lễ hội đền Choọng không chỉ là một hoạt động cầu sự che chở của thần linh cho quốc thái dân an, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, uống nước nhớ nguồn, lòng tri ân của thế hệ sau với tiền nhân có công với đất nước.

 

Linh thiêng lễ hội đền Choọng

 

Sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa Kinh - Thái  được thể hiện rõ nét qua các nghi thức trong hội đền. Theo trí nhớ của những người từng được chứng kiến lễ hội đền Choọng thì đây là chuỗi nghi thức có sự tham gia của hầu hết các bản mường thuộc phủ Quỳ Châu, trấn Nghệ An xưa. Mỗi bản mường đều phải có một mâm lễ đến dâng tế. Lễ hội đền Choọng hàng năm, được gọi là đám Lục Ngoạt (hay Lục Nguyệt) thường diễn ra trong 2 ngày 15, 16 tháng 6 âm lịch. Đầu tiên là lễ Yết cáo, xin phép thần linh cho tổ chức lễ hội. Sáng ngày 15, khi mâm cỗ các bản Mường đã đến đông đủ, bản Pửn dâng lễ vào am bà Pa Thai trước tiên, rồi những bản mường khác mới lên dâng hương yết cáo tại các ban thờ.

 

Ông Vi Đình Thắng, người Thái, ở bản Pửn, xã Châu Lý, cho biết: “Năm nào cũng thế, mâm lễ của bản Pửn chưa dâng vào am bà Pa Thai thì nghi thức chưa được bắt đầu. Ông cố tôi kể lại cái họ Pửn này chưa đến cúng là cả vùng mường này đến phải dừng ở đó. Vì sau khi lập đền này thì bà Pa Thai mắt đã mờ rồi. Bà sờ tất cả lễ vật của các mường đưa đến, sờ vào đến bánh sừng trâu thì kêu lên ô, bên ngoại của tôi đây rồi, từ đấy mâm lễ vật có bánh sừng trâu của họ Pửn này được vào cúng trước”.

 

Rước bài vị đền Choọng. Ảnh: baonghean.vn

 

Sau lễ yết cáo là lễ rước bài vị. Bài vị từ đền chính vượt qua dòng Nậm Choọng xuống đình Mường Choọng. Những người có chức sắc trong vùng và người dân Mường Choọng, khách thập phương cùng tham gia lễ rước.  Đi đầu đoàn rước là phường trò với xiêm áo rực rỡ vừa đi vừa hát chúc thần: “Chúc thần đã rõ chúc thọ đã rồi. Nay chúc cho các quan viên bộ thọ ta, nay cha làm nên quan, con cũng làm nên quan. Chúc cho Mường Choọng ta mãi mãi yên lành, ngô lúa tốt tươi, người người khỏe mạnh…”.

 

Tiếp đến là 8 trai bản khiêng kiệu, trên kiệu có án thờ bài vị, hai người cầm lọng đi hai bên để che kiệu, đi sau kiệu là 4 người mang gươm giáo hộ vệ. Đoàn người cờ quạt bước theo. Xuống đến đình Choọng, một chính tế và hai bồi tế lo phần cầu cúng rót rượu vào 4 chén hình con voi bằng đồng (mỗi con voi đựng được khoảng một lít rượu) dâng lên bàn thờ. Cầu khấn xong, tiếng trống đồng nổi lên ngân vang khắp Mường Choọng báo hiệu mở hội Lục Ngoạt.

 

Đến tối, các trai bản dắt con trâu đã được tắm rửa sạch sẽ vào trước sân đình. Chính tế làm lễ xin mổ trâu. Ông Vi Mạnh Hùng cho biết, trâu để cúng phải là con trâu đực, khoảng 2 năm tuổi. Người ta còn làm giàn, để trâu ở tư thế đứng, đem vào cúng: "Con trâu này đứng thể hiện sức sống mãnh liệt của nàng Phốm Hóm với đất mường đây. Con trâu tơ khoảng 2 năm tuổi thì làm lễ mới hợp và khi cống nạp, khi gieo quẻ thì nàng tóc thơm mới nhận. Thầy mo cúng thì kiêng 3 ngày trước đó không quan hệ vợ chồng, phải tắm bằng nước quế trước khi lên đền". 

 

Sáng ngày 16, trâu cúng được mang ra xẻ thịt. Thịt trâu được luộc trong chiếc vạc đồng lớn, 12 quai.  Khoảng 9 giờ, kiệu được rước về đền Choọng trong không khí trang nghiêm. Thầy mo tiến hành lễ cúng. Văn cúng có nội dung cầu cho mưa thuận gió hòa, bản mường yên bình, cây trái tốt tươi, cầu cho những người có chức sắc tâm sáng sức bền để lo việc bản việc mường chu toàn, con dân Mường Choọng có sức khỏe dồi dào, học hành đỗ đạt, làm ra nhiều của cải.

 

Ông Vi Văn Hóa ở bản Bồn, xã Châu Lý, trước đây từng được chứng kiến ông ngoại mình làm lễ cúng, nhận xét: “Việc thờ phụng, nghi thức trong lễ hội Đền Choọng chịu sự ảnh hưởng của phong tục miền xuôi khá rõ nét. Đặc biệt là các bài văn tế, bài cúng đều được đọc bằng tiếng Kinh rồi mới đọc lại bằng tiếng Thái. Sau lễ cúng, trai gái Mường Choọng và các mường lân cận về dự lễ sẽ chính thức vào hội đua tài như thi đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo… Cuối buổi chiều, lễ vật trên các ban thờ được hạ xuống chia lộc cho mọi người cùng hưởng”.

 

 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

MInh CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC