Đi du lịch ở thác Bản Ba
Thứ ba, 00:00, 25/10/2016 Phú 1 ảnh Phú 1 ảnh

(VOV4) - Điều đặc biệt thu hút du khách khi đến với Khu du lịch thác Bản Ba chính là vẻ hoang sơ, tự nhiên của cây cỏ và những dòng thác bạc trắng xóa chảy thành 3 tầng. Bà con các dân tộc nơi đây ngày càng ý thức hơn về giá trị của việc phát triển du lịch sinh thái gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa.



 

Cách trung tâm hành chính của huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, khoảng 25km là địa phận xã Trung Hà. Nơi đây nổi tiếng với Khu du lịch sinh thái thác Bản Ba. Thác có chiều dài khoảng 3km, được tạo bởi 3 tầng là Tát Củm, Tát Cao và Tát Gió, tạo nên một cảnh quan hùng vỹ. Xung quanh thác là thảm thực vật phong phú, với hàng trăm loại cây cối, nhiều loài chim chóc, muông thú. 

 

Ông Trần Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH Sông Gâm, cho biết công ty phối hợp với người dân địa phương xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng:

 

“Ở đây chủ  yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như đồng bào Mông, Tày , Dao, có nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc vẫn còn gìn giữ được. Điểm này rất phù hợp với khách nước ngoài, đặc biệt là khách Pháp có nhiều tour đến đây và rất thích. Họ thích nhất là đi câu cá, đi bắt ốc, có thể đi gặt lúa và cùng sinh hoạt với bà con”. 


 

Cách đây 8 năm, thác Bản Ba được xếp hạng di tích quốc gia

Gia đình ông Ma Đức Thạch, người Tày, ở thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà, từ khi tham gia mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng thấy có nhiều đổi thay. Nếu như trước đây một năm chỉ làm hai vụ lúa, đời sống khá bấp bênh, thì từ khi tham gia mô hình nhà trọ nghỉ dưỡng cho khách du lịch và nấu các món ăn dân tộc phục vụ khách du lịch, kinh tế gia đình ông đã khá lên nhiều.

 

“Khách đến đây thì mình giới thiệu cho họ về bản sắc dân tộc mình, về ăn mặc như thế nào, nếp sống của mình, truyền thống hát then, hát cọi... Du khách đến sinh hoạt với mình” – ông Thạch kể.

 

Ông Seo Văn Sử, Phó chủ tịch UBND xã Trung Hà, đánh giá: mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tuy mới mẻ, nhưng nếu có chiến lược quảng bá tốt thì sẽ là thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương: “Du lịch cộng đồng, đến khi làm bà con mới hình dung ra, mà làm cũng không có gì khó khăn”.

 

Kết quả bước đầu là tích cực, nhưng để những mô hình du lịch cộng đồng này phát huy hiệu quả bền vững, thì chính người dân, như ông Ma Đức Thạch cũng còn những trăn trở, bởi “vì mưu sinh nên họ chặt phá nhiều, người ta phun nhiều thuốc trừ cỏ quá. Sợ nó ô nhiễm vào nguồn nước. Các cấp chính quyền phải có chế tài, biện pháp để hỗ trợ cho người dân nhận thức, chứ cây cối cứ chặt bừa bãi chả có gì là sinh thái”.

 

Những người làm dịch vụ lưu trú cũng cần nâng cao ý thức về điều kiện vệ sinh. Ông Trần Văn Kết cho biết công ty đang khảo sát để có hướng đầu tư một phần để bà con có cơ sở vật chất tương đối ổn, nhằm phục vụ khách tốt hơn.

 


Việt Phú/VOV4

 

Phú 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC