Em Lò Thị Hân, dân tộc Lào, ở bản Nà Tăm, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết, Hân và các bạn trẻ người Lào rất tự hào về các nét đẹp văn hoá của dân tộc mình. Từ đó, hàng ngày, hàng giờ, Hân và các bạn đều có ý thức giữ gìn, phát huy và giới thiệu nét đẹp đó với các bạn dân tộc khác và với du khách gần xa.
"Là thế hệ trẻ dân tộc Lào sinh sống trên địa bàn, nên chúng em thấy mình phải có trách nhiệm và đang rất tích cực để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ví dự như ngày hôm nay em vẫn đang mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Và ở đây cũng đang có rất nhiều trò chơi và đặc biệt là các món ăn ẩm thực của dân tộc mình để giới thiệu với du khách", em Lò Thị Hân cho biết.
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, những năm qua, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển các điểm du lịch. Từ đó khai thác thế mạnh về cảnh quan và bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Lào để đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Đến nay, 8 đội văn nghệ quần chúng và 1 câu lạc bộ văn hóa dân gian là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động văn hóa biểu diễn phục vụ, mỗi khi du khách đến với địa phương hay dịp lễ hội của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Nà Tăm, huyện Tam Đường chia sẻ: "Thực hiện việc duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa, vào tháng 3/2024 thực hiện Nghị quyết HDND tỉnh, chúng tôi đã tổ chức thành công lễ hội Bun Vốc Nặm, với khoảng 15.000 lượt người tham dự. Thông qua lễ hội này thúc đẩy Nhân dân trên địa bàn tích cực duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lào. Trong thời gian tới, Nhân dân trên địa bàn sẽ tiếp tục duy trì các nét văn hóa như tục nhuộm răng đen, tục cầu mưa, cầu mùa và dệt thổ cẩm"
Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Nhằm đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 04 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, với mục tiêu đưa Lai Châu trở thành điểm khám phá văn hóa trong khu vực Tây Bắc.
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: Thực hiện nghị quyết, Lai Châu đã lồng ghép nhiều nguồn vốn để phục dựng các lễ hội và khôi phục lại các nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, cũng như phát huy vai trò của công nghệ thông tin và mạng xã hội để thúc đẩy phát triển du lịch; trước mắt, trong năm 2024 này là đạt mục tiêu đón 1 triệu lượt du khách đến địa phương.
Lai Châu hiện đã có 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bao gồm nghệ thuật múa xòe, trò chơi kéo co của dân tộc Thái; lễ hội Tủ Cải của dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông và nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự. Cùng với các di sản văn hóa phi vật thể này, các phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, trang phục, nghề thủ công truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ... hiện cũng đã và đang được chú trọng bảo tồn, phát huy, nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa phương./.
Viết bình luận