Món bánh ngày Tết của người Mông
Thứ hai, 00:00, 07/11/2016 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài

(VOV4) – Ngày Tết, hai món bánh không thể thiếu trong gia đình người Mông là bánh dày và bánh ngô nếp. Chúng vừa là món bánh dâng cúng tổ tiên, vừa là món quà tặng khách.


Với người Mông, trong mâm cỗ ngày Tết, bánh dày là món rất quan trọng, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, trời đất đã phù hộ cho mùa màng bội thu; là biểu tượng cho tình yêu chung thủy của người con trai, con gái Mông. Đặc biệt, nó còn là tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời – nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật muôn loài. 

 


Người Mông nướng bánh bán ở chợ phiên. Ảnh: ihay.thanhnien.vn

 

Bánh dày của người Mông thường rất to, đường kính khoảng 2 gang tay người lớn, dày đến hơn 3 đốt ngón tay. Khi người Mông làm bánh dày, nhà giàu hay nhà nghèo, làm có cầu kỳ hay không, đều thể hiện trên chiếc bánh. Họ làm rất nhiều, có khi hàng chục chiếc, vừa để cúng ông bà tổ tiên, vừa để gia đình thưởng thức và làm quà cho khách quý. 

 

Nhưng khi làm bánh họ không bao giờ đếm vì đó là điều cấm kỵ. Chỉ khi nào chiếc cuối cùng của mẻ bánh được nặn xong thì khi ấy người Mông mới đếm. Số lượng bánh là chẵn thì đó là dấu hiệu của sự sung túc, đủ đầy. Và nếu nặn đúng 12 chiếc thì có nghĩa năm đó là một năm may mắn. 

 

Anh Giàng A Giơ bảo, bánh dày được làm trước Tết, đến ngày mùng 3, người Mông sẽ làm nghi lễ cúng bánh dày: “Cúng bánh dày đúng chiều mùng 3 Tết. Nghi thức cúng bánh dày là đưa tiễn tổ tiên về thế giới của tổ tiên. Trước 30 Tết, người ta mời về ăn, sau ngày mùng 3 thì người ta làm lễ bánh dày. Người ta làm một cái to để trong mẹt, cất lên gác để đến chiều mùng 3 cúng ngày mùng 3 Tết”.

 

Ngoài bánh dày, chiếc bánh ngô cũng là món ăn ngày Tết của người Mông. Ngô nếp được xay bằng cối đá, ngâm nước từ 20 ngày đến một tháng. Trong thời gian đó, cứ cách 2 – 3 ngày phải thay nước một lần cho ngô đỡ lên men chua. Ngâm xong lại cho vào cối xay thành bột nước, rồi đổ vào chiếc túi vải treo lên cho ráo nước. Khi nước đã róc chỉ còn cốt ngô, người ta mang xuống nặn thành bánh và có thể ăn ngay. 


Nhưng muốn ăn lâu dài, người ta sẽ mang bánh đi đồ. Khoảng 2 – 3 hôm sau bánh khô, họ sẽ cho vào nước ngâm để bảo quản. Lúc nào muốn ăn lại vớt bánh ra, để ráo nước, lấy dao cắt thành miếng nhỏ bỏ vào nồi nước sôi nấu, thả đường phên, thế là có được một món ăn ngon đãi khách.

 

Ngày xuân, lên vùng cao đón Tết, khi về, nếu gặp may, bạn sẽ có một cặp bánh dày hay bánh ngô nếp làm quà. Món quà bình dị, dân dã nhưng thấm đẫm tình người nơi đây.

 


Thu Cúc/VOV4


Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC