Món rêu đá của người Thái
Thứ sáu, 00:00, 11/11/2016 Hải Huyền bt ct Hải Huyền bt ct

(VOV4) – Ngoài thịt trâu gác bếp, cơm lam, cá nướng, xôi ngũ sắc, người Thái còn có một sản vật dân dã: món ăn rêu đá.

 

Không lấy rêu gần bờ


 

Rêu đá mọc theo mùa. Tháng 9, tháng 10 đến hết tháng 5 năm sau, rêu mọc nhiều vô kể. Những con suối ở khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái), Tuần Giáo, Mường Chà (Điện Biên), khu vực sông Đà là vùng có rêu ngon, sạch, lại dễ lấy. Nơi ấy nước xiết, rêu không ngấm bẩn nên người ta mới vớt về để ăn. Rêu mọc gần bờ, người Thái không bao lấy.

 

“Người Thái hay hát cơm nếp dẻo, cá nướng thơm chờ anh quăng chài về. Phong tục người Thái là như thế. Chồng đi quăng chài, vợ ở nhà nấu cơm chờ chồng. Có lúc sáng chồng ở nhà, vợ đi hái rêu về, chờ vợ về ăn. Như thế mới có tình cảm”. 

Chị Lò Thị Hoa, người Thái trắng, ở Sông Đà, Quỳnh Nhai, Sơn La, tủm tỉm giới thiệu về món rêu đá lạ miệng. 



Rêu đá - đặc sản của người Thái. Ảnh: Kiến thức


“Trước đây, chưa làm thủy điện Sơn La, cứ đến tháng 10 thì đi hái rêu. Rêu mọc tự nhiên. Chỗ nào nước chảy xiết ấy, ăn rất là ngon, có rêu trơn. Chỗ nào sâu sâu thì lại rêu đen. Chỗ nào nước không sâu thì rêu màu vàng. Ăn nó già” – chị Hoa phân biệt.

 


Người hấp tấp không lấy được rêu



Rêu bám chắc thành từng mảng. Người đi vớt rêu sẽ dùng dao tách cẩn thận cho vào cái sỏng (rổ). Nếu rêu mọc dài, bám rời rạc, họ sẽ lấy tay vớt nhẹ, tránh dậy đất, dậy bùn. 

Chị Hoa bảo người hấp tấp không bao giờ đi vớt được rêu. Nhiều khi, đi cả ngày mới có được những khóm rêu ưng ý. Các bà, các mẹ phải gói cơm lam, cá nướng ở lại ăn trưa để chiều hái tiếp.


“Lấy lên từng tí, từng tí một thế là dồn vào cái sỏng. Đi hái rất là lâu, rất khó. Nhưng thích ăn thì đi hái”.




Rêu đá nướng. Ảnh: Kiến thức


Đa dạng các món ăn từ rêu đá



Hái rêu đã là một công việc khá vất vả. Việc loại bỏ tạp chất để rêu đảm bảo vệ sinh càng công phu, tỉ mỉ. Rêu lấy về còn lõng bõng nước, vắt nhẹ. Đặt rêu lên thớt, họ lấy chày đập cho bong hết tạp chất mà rêu vẫn không bị nát. Sau đó, cẩn trọng dò từng khóm rêu để lấy mùn, sạn, rồi rũ chúng tơi trong chậu nước. Rêu sạch hoàn toàn mới lấy đi chế biến.


Dễ làm nhất là rêu đồ. Cắt rêu thành những khúc nhỏ, ướp mắc khén, tỏi, ớt, sả, đem bỏ vào hông, đặt lên niếng (những dụng cụ đồ rêu), đổ nước và đun cách thủy.


Dùng rêu để nấu canh xương, xào, luộc cũng tạo ra những hương vị riêng. Nhưng độc đáo nhất là món rêu đá nướng. Tẩm sả, hành, tỏi, gừng, muối, mắc khén cho thật ngấm, sau đó dùng lá chuối rừng đã hơ lửa bọc rêu lại, buộc chặt rồi ủ vào tro nóng hoặc nướng trên than hồng. Để khoảng 1 tiếng, rêu dậy mùi là có thể thưởng thức.


Ngoài món rêu tươi, người Thái còn dùng rêu khô. Do rêu chỉ mọc mỗi năm một lần, nên khi lấy về, bà con thường đem phơi khô để dùng dần. Khách quý đến chơi, lại mang món rêu đá ra thết. 

 

Ngay cả bây giờ, khi những dòng suối đã thành thủy điện, đồng bào Thái ở Sơn La vẫn đạp xe hàng chục cây số đến những vùng khác tìm bằng được rêu đá để làm món ăn, bày trên mâm cỗ của gia đình.

 

 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt ct

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC