Người Chu ru dùng men đực, men cái làm rượu
Thứ tư, 00:00, 30/09/2020 HH BTCT + 1 ảnh HH BTCT + 1 ảnh
VOV4.VN - Với người Chu ru, rượu cần là thức uống dành cho khách quý, người thân và phục vụ các nghi lễ.

Trọng khách bằng rượu cần
Rượu cần là thức uống giản dị nhưng vô cùng đặc biệt của người Chu ru. Ma chay, cưới xin, lễ hội... người Chu ru không thể thiếu rượu cần. TS Võ Tấn Tú, Trường Đại học Đà Lạt, người có nhiều công trình nghiên cứu về dân tộc Chu ru cho biết, đó là thứ rượu cầu may cho cô dâu, chú rể trăm năm hạnh phúc. Và đó cũng là thứ rượu để cúng cho hồn người chết, để hồn thanh thản đi về thế giới bên kia.


Lễ cưới người Chu ru được tái hiện tại làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Trong đó không thể thiếu rượu cần

"Đám cưới, đám hỏi người Chu ru không thể thiếu rượu cần. Rượu cần họ dùng để đãi khách và để chúc mừng cô dâu, chú rể. Trong nhà có người bệnh cảm thấy không thể qua khỏi, gia chủ phải ủ rượu cần. Nếu gia đình đó không chuẩn bị kịp thì gia đình đó phải mượn tạm thời bà con trong dòng họ hoặc hàng xóm láng giềng. Rượu cần trong đám tang dùng với mục đích cho linh hồn người chết uống và đãi bà con xóm giềng đến chia buồn. Đó là mục đích nấu rượu cần của người Chu ru".

Với các sự kiện quan trọng, nhà nào cũng ủ rượu trước đó tầm 6 tháng hoặc 1 năm. Trong lễ hội có rượu cần, lễ vật kèm theo không thể thiếu như gà, trâu, heo. Mọi người đều đóng góp để cùng chung vui. 

Theo quan niệm của người Chu ru: rượu cần, thịt gà, thịt heo, thịt trâu khi chưa cúng xong sẽ không được uống. Ông Ya Hiên ở làng Préh Yong, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bảo, làm được chiếc nhà mới, trong ngày lễ mừng nhà mà không có rượu cần mời anh em, buôn làng coi như mất vui.
"Dựng nhà xong vô nhà mới phải làm lễ chứ. Lễ ăn gà, vịt, rượu cần mời bà con xung quanh. Uống rượu cần vui vẻ với nhau. Ý là mừng họ hàng có nhà mới. Vô nhà chơi".
Ông Ya Thung, thôn Ma Am, xã Đà Loan, Đức Trọng còn nói, người Chu ru trọng khách, quý lắm bà con mới mời uống rượu cần. Đó là cách bày tỏ tình cảm với vị khách đến chơi nhà.
"Trước đây, nhà nào cũng có ché rượu cần. Trong nhà người Chu ru 1 là rượu, 2 là gạo. Hai cái đó không bao giờ thiếu. Không được phép thiếu. Vì thế này: bất thình lình khách người ta tới, mà hết gạo thì lấy đâu ra nấu cho khách. Bây giờ hết rượu thì ra quán mua, thời xưa đi đâu mua. Nhà nào cũng ít nhất 5 – 6 ché trong nhà, cho nên không thể để cho bản thân mình uống mà cho làng, cho khách, các cô, chú bác sang uống. Bước vào nhà đầu tiên đó là rượu, xong rồi cơm nước gì thì tính".
“Men đực”, “men cái” làm rượu
Trong ánh lửa bập bùng, trong vũ điệu cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng, thưởng thức men say rượu cần thì còn điều gì tuyệt hơn thế. Điều đặc biệt là khi uống, bạn không phải rót ra từng bát để uống mà sẽ vít vần trong ché để tận hưởng thứ men say độc đáo từ núi rừng.

Để làm ra thứ rượu ấy, người chu ru đã ủ bằng một loại men đặc biệt. Đó là loại men làm từ các loại cây rừng. Bà con phải vào tận rừng sâu tìm đủ 5 loại cây: giong ba tơi - men rượu ngọt – loại cây chỉ sử dụng phần rễ để làm men; giong gơm pre – men cay vì loại cây này có vị cay như ớt; giong vông, loại cây này sử dụng thân và lá, rễ giã nát lấy nước làm men. Loại thứ tư là giong ze – không thể thiếu khi làm rượu cần vì nó có tác dụng gây say cho người uống, làm cho rượu cần đậm đà hơn, uống nhanh say hơn. Cây tiếp theo là cây cờ zút, là men cái. 

"Nếu giong vông được ví là men đực thì cờ zút được ví như men cái. Sự kết hợp với cây men tạo nên một hợp chất ngọt ngào trong rượu, là sự giao hòa âm dương giúp cho người uống không bị phản ứng nào như đau đầu, đau bụng, và cảm thấy thích uống". - TS Võ Tấn Tú nói.

Ông Ya Thung cười: "Nó rất nhiều. Lười, lấy ít thì 5 – 6 loại, người siêng người ta lấy 13 – 14 loại. Trong đó men của nó có men ngọt, đắng, chua, cay, chát, thơm, đủ loại hết… men đó người ta làm như một vị thuốc".
Theo ông Ya Thung, khi đi hái cây rừng làm men, người Chu ru cũng kiêng cữ nhiều thứ, thực ra cũng là để thỏa ước nguyện có được ché rượu ngon, khi uống sẽ vun thêm tình cảm.
"Đi lấy men là không được cãi lộn. Đi lấy men là không được gặp bất kỳ con thú gì trên rừng. Đi rồi mà gặp con chim gì trắng trắng hay kêu là đi về. Gặp con thỏ, chạy ngang là thôi, đi về. Nếu mình cứ đi, nó sẽ xảy ra sau này mình làm rượu này người ta uống xong say gây lộn, đánh nhau. Người ta kiêng ở chỗ đó. Thường thường đi buổi sáng. Đi lấy thuốc làm men đi buổi sáng nhiều hơn, thường 7 - 8 giờ, sớm quá cũng không đi lấy. Người Chu ru mình quan niệm như vậy".

Đỗ Quyên/VOV4



HH BTCT + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC