Người Thái “săn” măng
Chủ nhật, 00:00, 14/08/2016 Hải Huyền bt ct Hải Huyền bt ct

(VOV4) – Mùa mưa, măng rừng mọc nhiều như... măng sau mưa. Đồng bào Thái vào rừng, đi tít những chỗ sâu để "săn" măng đầu mùa.

 

Nơi nào dúi làm tổ, nơi ấy có măng ngon!

 

Chị Lò Thị Biên, ở bản Bánh, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết từ tháng 11, 12 đọt măng đã bắt đầu nhú, đến tháng 3 mưa rừng trút xuống, chồi măng vươn lên mạnh mẽ, rộ mùa bà con đi hái măng. “Nhiều loại lắm! Măng đắng, măng ngọt cũng có, với lại măng tre gai. Măng pe đuồng mình trồng. Măng đắng có từ tháng 11 đến tháng 12, đến tháng 3 là tháng rộ nhất”. 

 

Theo bà Lò Thị Phớ, ở bản Lầu, phường Chiềng Lề, TP. Sơn La, chỉ có những khu đất thịt mới có những đọt măng mọng nước, ăn vừa giòn, vừa thơm. Còn khu đất cát, rặt măng khô và già. Hơn nữa, nếu tìm được những bụi tre có con dúi làm tổ, chỗ ấy chắc chắn có măng ngon. Và măng không hăng là những củ mọc xa gốc: “Măng nào nhú lên, mọc xa cây chủ là nó vẫn nằm trong đất. Nó ngọt thịt. Còn những cây mọc gần là nó đã nhoi lên mặt đất rồi. Nó cứng, sẽ bị hăng đấy”.

 


Kiếm măng không hề đơn giản. Ảnh: danviet.vn

 

Cơ cực nghề lấy măng

 

Măng như thứ lộc của rừng. Tuy nhiên để lấy được những đọt măng ngon, hiểm nguy, cơ cực cũng bội phần. Chị Lò Thi Biên kể đi lấy măng, phải lọ mọ từ 3 – 4 giờ sáng, chuẩn bị đồ nghề, nắm cơm mang theo. Có khi vượt suối, đi bộ mấy chục cây số đường rừng, rồi len vào những khu vực ít ánh sáng mới có những đọt măng to, mềm và ngon.


“Rừng măng xa tít. Đi cả ngày. Bên vai thì phải đeo túi, kiếm được măng bỏ vào túi mỏi hết cả vai, rất là mệt mới được cây măng mang về ăn”.


Đi rừng, đôi tay người đi đào măng không bao giờ ngơi nghỉ. Lúc nào cũng phải lăm lăm chiếc thuổng, hoặc con dao để bới xác lá, mắt phải tinh, chân phải nhanh thì mới có thể “chộp” được những ụ măng ngon trong cuộc chạy đua với những thợ săn măng khác. Có khi, những bẹ măng ngon lại ẩn sâu trong bụi gai rừng, khi lấy được măng rồi, nhìn đôi bàn tay rớm máu, mới biết là mình bị đau. 

 

Vào rừng đào măng sợ nhất là gặp phải vắt, muỗi, rắn, ong rừng, nên bà Phớ mặc quần áo dày vài ba lớp. Ai không nhanh tay, nhanh mắt, đập trúng tổ ong coi như gặp họa: “Ong nó ở lá tre, mình vào, rung cây măng đấy nó khắc bay xuống thôi. Những người giỏi mới đào được đấy. Những người dốt, chậm, không hái được măng đâu. Trời mưa, có muỗi, có vắt, ối giời ôi vừa đi vừa chạy. Nếu mà không chạy nhanh, mình đi qua con vắt nó bám vào chân mình. Nếu đi chậm nó nhảy vào người mình ngay”.  

 

Đi lấy măng, trời mưa trơn trượt nên những người săn măng chỉ dám đi chân đất. Có lúc mưa lớn, nước chảy xiết, họ lại tất tả dựng lán chờ cho nước rút mới dám trở về.

 

Lấy măng không lấy hết

 

Vất vả, nguy hiểm mới được đọt măng nên bà con cũng có rất nhiều kiêng kỵ. Chẳng hạn gặp rắn ắt phải quay về. Trước khi đi, nhà nào nấu cơm bị cháy nhất quyết phải ở lại kẻo đi rồi gặp chuyện chẳng lành.


Và cũng là để bảo vệ rừng măng, chẳng bao giờ người đi đào măng lại lấy trụi. Phải để lại một vài lớp măng mới có “lộc” cho năm sau. “Cái bụi này tầm 10 củ thì mình lấy 2 – 3 củ ở đấy thôi. Để lại phần nhiều. Lấy hết đến sang năm không có đâu. Ngày xưa người già bảo lứa đầu để cho hắn sinh trưởng. Lứa thứ hai thì lấy hết. Lứa thứ hai lên tầm 20 phân thì lấy thôi. Lên cao quá tí là hỏng luôn. Già” – Anh Lò Văn Thịnh ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa bảo vậy.

 

Măng rừng có nhiều loại, như măng vầu, măng nứa, măng sặt, măng dê… có thể chế biến thành nhiều món. Măng hái về, đem bỏ bẹ, thái nhỏ tùy theo ý thích, rồi cho vào nồi luộc sơ qua với chút muối để giảm vị chát đắng. Sau đó vớt ra ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ là có thể chế biến được. 

 

Đơn giản nhất là món măng đắng luộc chấm muối ớt cũng dễ khiến bao người ăn một lần lại muốn có lần thứ hai, thứ ba. Những người sành ăn thích vị đắng, chát, có thể để nguyên măng tươi đem nướng. Có người thích vị thanh mát, giòn tan có thể làm món măng nộm. Măng lá thái con chì, luộc chín, đem phơi khô, cất ăn dần.

 

Khi làm nộm, đem ngâm măng trong nước vo gạo cho thật mềm, sau đó để ráo nước. Mộc nhĩ, miến dong cắt ngắn, ngâm nước ấm. Đem tất cả trộn với cà rốt nạo, củ kiệu dập tơi, hành hoa, rau thơm, mùi tàu thái nhỏ. Thêm chút bột canh, mỡ, đưa lên bếp xào tái. Miến mềm, măng giòn sần sật là đã có món ngon đãi khách.

 

Tết, trong bữa cơm cúng tổ tiên ngày đầu năm mới chẳng bao giờ thiếu món măng rừng. Đồng bào Thái quan niệm măng cũng như cơm, cúng tổ tiên măng rừng cũng như mừng cơm mới, để cầu cho một mùa no ấm, cuộc sống sung túc, đủ đầy.



Đỗ Quyên/VOV4


Hải Huyền bt ct

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC