Người Xơ đăng chuẩn bị cho Lễ hội cà phê
Thứ ba, 00:00, 07/03/2017 1 1

VOV4.VN - Mặc dù chưa chính thức diễn ra, song không khí của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã lan tỏa đến buôn gần, làng xa. Tại tỉnh Kon Tum, 25 nghệ nhân của làng Năng Lớn 3 được cử đi tham gia lễ hội đang khẩn trương chuẩn bị với mong muốn mang đến ngày hội lớn những nét văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc mình.

 

Từ thành phố Kon Tum đi theo hướng Tây Bắc khoảng 80km rồi ngược lên một con dốc dựng đứng thì đến làng Năng Lớn 3, xã Đắc Sao, huyện Tu Mơ Rông. Thời điểm nông nhàn, song 75 hộ dân trong làng lại khá bận rộn.

 

Bà con đang khẩn trương chuẩn bị đạo cụ và tích cực luyện tập các tiết mục để vài ngày nữa lên đường tham gia Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc.

 

Chuẩn bị đạo cụ cho lễ hội bắc máng nước 

 

Được dân làng tín nhiệm bầu làm trưởng đoàn nghệ nhân, anh A Bâu cho biết bà con rất tự hào khi làng mình được đại diện cho dân tộc Sêdang ở Kon Tum tham gia lễ hội: “Bà con anh em trong làng háo hức, cố gắng luyện tập để tham gia giao lưu với anh em các tỉnh tại Đắc Lắc. Mong muốn rằng mọi người biết được văn hóa của người Xơ đăng”.

 

Đến  Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm nay tại thành phố Buôn Ma Thuột, các nghệ nhân làng Năng Lớn 3 chuẩn bị 5 tiết mục đặc sắc nhất của dân tộc mình, gồm: giới thiệu lễ hội bắc máng nước; độc tấu Klông pút; hát giao duyên; trình diễn lễ hội đâm trâu mừng Nhà rông mới; biểu diễn, hòa tấu cồng chiêng buôn làng vào hội và mừng chiến thắng.

 

Luyện tập chiêng - xoang

Để các tiết mục hài hòa, phù hợp với không gian sân khấu hiện đại, nghệ nhân làng Năng Lớn 3 có nhiều sáng tạo trong chuẩn bị đạo cụ trình diễn, như: làm sẵn các vật dụng, mô hình cần thiết mô phỏng trong lễ hội bắc máng nước; sử dụng vật liệu tre, nứa làm đạo cụ cho đấu sĩ trong trình diễn lễ hội đâm trâu mừng Nhà rông mới; sử dụng con dúi bông trong lễ thức cắt tiết dúi cúng Giàng.v.v.

 

Tham gia nội dung giới thiệu lễ hội bắc máng nước của người Xơ đăng, A Nghíc và A Nuân cho biết điều mà các anh thích thú là được “diễn” đúng như lễ hội tổ chức ở làng hàng năm:

“Hàng năm, thường thường khoảng tháng 8, tháng 9 là cả làng tập trung đi bắc máng nước từ đầu nguồn về đến làng để bà con đủ nước sinh hoạt. Máng nước này là rất quan trọng đối với bà con”.



Luyện tập hòa tấu buôn làng vào hội


Ý thức giữ gìn nên dẫu cuộc sống hiện đại đang tạo ra áp lực rất lớn đối với không gian văn hóa truyền thống, song người dân làng Năng Lớn 3 vẫn duy trì, bảo tồn và phát huy được truyền thống văn hóa của dân tộc mình ngay trong cuộc sống.

 

Cùng với tiếng nói, chữ viết được sử dụng hàng ngày, gia đình nào trong làng cũng có trang phục truyền thống. Hệ thống lễ hội của cộng đồng và trong phạm vi từng gia đình được bà con trân trọng giữ gìn, tổ chức thường xuyên.

 

Chị Huỳnh Thị Ngọc Lành, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tu Mơ Rông, cho biết đây chính là lý do để tỉnh Kon Tum lựa chọn đội nghệ nhân làng Năng Lớn 3 tham gia Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm nay.

Cùng với 25 người ở làng Năng Lớn 3, tỉnh Kon Tum còn có 5 người tham gia nội dung thi tạc tượng tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

 

 

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

1

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC