Nhà tù Sơn La lặng lẽ trên đỉnh dốc
Thứ sáu, 00:00, 09/12/2016 Phượng Phượng

(VOV4) - Nhà tù Sơn La – di tích quốc gia đặc biệt, nằm trên đồi Khau Cả, trông xuống thành phố Sơn La. Nơi rừng thiêng nước độc năm nào, giờ bình yên cỏ xanh hoa tím. Du khách tới đây, bước trên những phiến đá, chạm vào những mảng tường rêu từng thấm máu và mồ hôi những người tù năm xưa, ngắm cây đào Tô Hiệu mọc lên giữa ngục tù, thêm trân quý cuộc sống tươi đẹp quanh mình.

 

Trèo lên một con dốc đứng, hai bên đường xanh tươi cỏ cây, những chùm hoa ban tím ngát, cỏ lạc bung từng bông vàng ươm – con đường thơ mộng ấy lại dẫn tới Nhà tù Sơn La.

 

Di tích Nhà tù Sơn La nằm ở trung tâm thành phố, gần trụ sở của UBND tỉnh Sơn La, Tỉnh ủy Sơn La. Bạn có thể dễ dàng tới đây. Nhà tù này được thiết kế năm 1907, hoàn thành cuối năm 1908, là nhà tù hàng tỉnh, rộng 500m2. Năm 1930, nhà tù được mở rộng gấp ba, trở thành một trung tâm đặc biệt để đày ải, giam giữ những người Cách mạng, và được đổi tên thành Ngục Sơn La.

 

Ngày ấy, nhà tù được chọn xây dựng trên ngọn đồi cao trông xuống thị trấn nhỏ, cách xa làng xóm, để dễ bề quản lý tù nhân. Vị trí đắc địa để cách ly tù nhân xưa, nay mang lại cho Di tích một địa thế đẹp, yên tĩnh, trông xuống thành phố Sơn La đang phát triển từng ngày.

 

Năm 1930, nhóm tù Cộng sản đầu tiên gồm 24 người bị phát vãng từ nhà giam Hỏa Lò lên đây. Số tù nhân Cộng sản bị đưa lên Ngục Sơn La ngày càng đông, tịnh tiến với sự phát triển của phong trào Cách mạng. Tới tháng 12/1944, tới 1.007 tù nhân Cộng sản bị đày ải ở nơi này.

 

Ngục Sơn La, Hỏa Lò, nhà đày Buôn Ma Thuột, nhà tù Côn Đảo, ngục Kon Tum là những nơi giam giữ tù nhân Cộng sản khét tiếng thời bấy giờ. Những câu ca: “Nước Sơn La, ma Vạn Bú” (tỉnh Vạn Bú đổi tên thành tỉnh Sơn La năm 1904), “Ai lên Hát Lót, Chiềng Lề/Khi đi thì dễ khi về thì không”, là nói về sự khắc nghiệt của vùng đất rừng thiêng nước độc này, nơi mùa hè hứng gió Lào, đông lạnh buốt xương.

 

“Chế độ ăn uống của tù nhân do Thống sứ Bắc kỳ quy định rất ngặt nghèo lại còn bị bọn giám ngục tìm cách bớt xén. Bữa ăn mỗi người được một nắm cơm nếp lẫn trấu và sạn với muối trắng. Ngày tết, ngày lễ mỗi người được vài miếng thịt lợn luộc chấm với muối. Không có bát đũa, anh em phải ăn bốc, đến nước lã cũng phải dùng rất hạn chế” - trích Hồi ký của tập thể chính trị phạm ở nhà tù Sơn La.

 

Nên dễ hiểu khi Nhà tù Sơn La ngày càng đông tù Cộng sản. “Xin ngài cứ tiếp tục gửi chính trị phạm lên Sơn La. Bọn này nếu ở Hỏa Lò là những hạng hung hăng khó trị, thì rồi đây tới Sơn La, chỉ trong vòng 6 tháng thôi, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở nên hiền hòa” – trích thư của Xanh Pulốp, Công sứ Sơn La gửi Thống sứ Bắc Kỳ năm 1932.

Bài thơ “Lại đến Sơn La” viết năm 1941 của người tù Cộng  sản Xuân Thủy  (1912 - 1985, nhà thơ - nhà báo, từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), nay được trân trọng lưu lại Nhà tù Sơn La:

Lại đến Sơn La lại núi rừng
Nằm trên đỉnh núi mà như bưng
Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ
Thăm thẳm hầm giam sâu mấy tầng

Tháng tháng cơm xôi đau cả bụng
Đêm đêm sàn đá buốt sau lưng
Ai ơi sốt rét đừng ra máu
Non nước chờ xem ta vẫy vùng

 

 

Một số hình ảnh Di tích Nhà tù Sơn La:

 

 

Trước khi rút khỏi Sơn La vào năm 1952, thực dân Pháp đã ném bom xuống khu vực nhà tù để xóa dấu vết tội ác. Năm 1965, đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc khiến nhà tù Sơn La gần như bị phá hủy hoàn toàn

Tranh sơn dầu "Ngày lao động khổ sai", Họa sĩ Văn Thơ - 1994. Ảnh chụp lại tại Nhà tù Sơn La

Ảnh tư liệu - chụp lại tại Nhà tù Sơn La


Xà lim ngầm được xây dựng vào năm 1930, nằm sâu dưới lòng đất 3,5m, diện tích 110m2. Có 5 xà lim cá nhân và 2 xà lim tập thể để phạt tù chính trị cứng đầu cứng cổ. Trung bình có từ 12-15 tù nhân bị nhốt ở đây hàng ngày

Một buổi sinh hoạt chính trị trong tù được tái hiện bằng tượng

Tranh sơn dầu "Học trong tù" - Họa sĩ Lò Quang An, 1994. Ảnh chụp lại tại Nhà tù Sơn La

Tờ báo Đất Nước do những người Cộng sản xuất bản ngay trong tù, bằng chữ Việt và chữ Thái. Ảnh chụp lại tại Nhà tù Sơn La

Cây đào Tô Hiệu thế hệ hai. Cây đào này được lấy giống từ cây đào năm xưa người Cộng sản Tô Hiệu trồng trong sân nhà tù. Cây đào "con" được trồng đúng ở vị trí cũ. Năm nay, cây đào nở hoa sớm từ những ngày tháng 10

Đường lô quanh nhà tù - đứng nơi đây có thể trông xuống toàn cảnh thành phố

 

 

 

 

Lê Bích Phượng/VOV4

Phượng

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC