Những khu du lịch cộng đồng ở vùng căn cứ cách mạng Quảng Nam
Thứ ba, 11:10, 25/03/2025 Long Phi/VOV Miền Trung Long Phi/VOV Miền Trung
VOV4 - 50 năm sau ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam, khu vực miền núi, vùng căn cứ cách mạng trong chiến tranh nay càng xuất hiện nhiều khu du lịch cộng đồng thu hút du khách. Những sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên và văn hóa bản địa đồng bào dân tộc thiểu số giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ giúp người dân miền núi có thu nhập ổn định.
Video Player is loading.
Current Time 0:00
/
Duration 0:00
Loaded: 0%
Progress: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time -0:00
 
1x

Huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cách thành phố Đà Nẵng khoảng 110 km. Sau hơn 3 giờ đi ô tô, du khách đã có thể đến vùng đất này.  Rừng Pơ Mu với hàng trăm cây được công nhận là cây di sản, Rừng Đỗ quyên cổ thụ, rừng Lim cùng văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu… khiến vùng cao biên giới Tây Giang thành điểm đến du lịch xanh, du lịch cộng đồng lý tưởng.

Nhiều năm qua, du khách trong và ngoài nước không ngại vượt đường xá xa xôi để được trải nghiệm đón bình minh và săn mây trên Đỉnh quế Tây Giang, nơi được xem là “Sapa giữa lòng miền Trung”.

Thích thú khi trải nghiệm khám phá cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng văn hóa mang đậm bản sắc của người Cơ Tu nơi đây, chị Cheng Chi Lun, du khách Đài Loan chia sẻ: “Người dân tại đây chia sẻ với chúng tôi rằng ngày càng có nhiều khách quốc tế đến Tây Giang. Chúng tôi nghĩ rằng khi chính quyền địa phương có chính sách phát triển du lịch hiệu quả thì sẽ có rất nhiều khách đến, và người dân có điều kiện nâng cao thu nhập hơn”.

Ngoài 2 di sản Văn hóa thế giới, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng nhiều điểm du lịch sinh thái, mở rộng và khai thác không gian du lịch ở phía Tây Quảng Nam. Những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại trên dãy Trường Sơn, cùng với đó là văn hóa làng với tính cộng đồng rất rõ nét của đồng bào Cơ Tu được ví von là “kho báu giữa đại ngàn”.

Tại huyện miền núi Đông Giang, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang là dự án du lịch sinh thái có quy mô lớn nhất, mở ra nhiều kỳ vọng để các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam. Hơn 80% lao động làm việc tại khu du lịch này là người Cơ Tu địa phương. Lần đầu tham quan, trải nghiệm tại khu du lịch này, chị Trần Thị Thu ở thành phố Đà Nẵng bị lôi cuốn với khung cảnh hoang sơ với nhiều thác tự nhiên nhất tại Việt Nam.

Chị Thu cho biết: “Điều tôi rất ấn tượng là người ta giữ gìn được những cánh rừng, giao cho người dân tự bảo quản. Ngoài ra, tôi cũng rất ấn tượng với lễ hội của người dân tại đây, điệu nhảy Tâng tung da dá rất cuốn hút du khách, tôi đã tham gia nhiều lần và chúng tôi đã hòa mình với họ trong điệu nhảy đó".

Quảng Nam hiện có hàng chục điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống cộng đồng ở khu vực nông thôn và miền núi.  Việc sử dụng lao động địa phương, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa bản địa là cách khai thác du lịch hiệu quả và bền vững, giúp gia tăng giá trị của điểm đến. Sau đại dịch Covid 19, tỉnh Quảng Nam tập trung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng lao động hoạt động du lịch.

Phấn khởi khi có nguồn thu nhập ổn định ngay trên quê hương mình, chị A Rất Thị Tươi, nhân viên tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang nói: “Chúng tôi rất vui khi khu du lịch tạo việc làm cho người dân địa phương, chúng tôi không phải đi làm xa nữa. Một khu du lịch sinh thái lớn thế này mọc lên trên quê hương chúng tôi thấy rất tự hào”.

Theo ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, trồng rừng gỗ lớn, trồng dược liệu dưới tán rừng và phát triển du lịch được xác định là 3 mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, phát triển du lịch ở khu vực miền núi cần được quan tâm đầu tư đứng mức và đúng hướng để phát huy hết tiềm năng vốn có.

“Chúng tôi mong muốn Trung ương và tỉnh Quảng Nam quan tâm đầu tư hơn về kết cấu hạ tầng, giúp việc đi lại thông suốt, có những đề án, chính sách phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Cần quan tâm đến các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để gìn giữ, bảo tồn và tiếp tục nhân rộng". - Ông Arất Blúi nói thêm.l

Đầu tháng 3 vừa qua, tỉnh Quảng Nam công bố hành lang phát triển du lịch mới “Cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn - Cổng trời Đông Giang”.  Hành lang này là sự hòa quyện vẻ đẹp của kiến trúc - lịch sử - văn hóa. Với 1 hành trình - 3 điểm đến (hành trình dài gần 100km), đây là cung đường tuyệt vời để khám phá giá trị tuyệt mỹ của thiên nhiên, con người và những nét văn hóa đặc sắc của xứ Quảng.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, cung đường di sản Hội An – Mỹ Sơn – Cổng Trời Đông Giang là tuyến du lịch nội tỉnh chính thức đầu tiên được công bố trong định hướng phát triển hành lang du lịch mới tỉnh Quảng Nam. Hành lang phát triển du lịch sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, cung cấp các dịch vụ có chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế; hình thành các chương trình du lịch đa dạng với chủ đề khác nhau, kết nối các điểm du lịch trên một hay nhiều tuyến du lịch.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: “Để tỉnh Quảng Nam trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch, nhà đầu tư trong và ngoài nước, bên cạnh những định hướng phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình phát triển du lịch mang tính lâu dài, chiến lược thì cần có sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương. Rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương. Đặc biệt là sự đồng hành của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch có ý nghĩa hết sức quan trọng”.

Năm 2024, Quảng Nam đón hơn 8 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế. Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, ngành du lịch là nền tảng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội./.

Long Phi/VOV Miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Video