Thơm dẻo bánh dày ngày tết của người Mông
Thứ hai, 00:00, 23/01/2017

(VOV) - Với đồng bào Mông, trong mâm cơm ngày Tết, bánh dày không thể thiếu. Bánh dày vừa để cúng tổ tiên vào ngày Tết, vừa là món ăn mời khách quý. Bên mâm cỗ, cùng nâng chén rượu ngô thơm nức, bánh dày luôn là một món ăn hấp dẫn.

 

Tiếng Mông, bánh dày gọi là "Dúa pả”. Đồng bào quan niệm: Bánh dày tượng trưng cho đất trời và sự an lành, no ấm.

 

Chị Tráng Thị Nênh, ở bản Pa Khen 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cho biết: Để có được những chiếc bánh dày thơm dẻo thì phải chọn gạo nếp nương không bị pha tạp, không bị gãy nát. Bánh gói bằng những tàu lá dong hoặc lá chuối rừng.

 

“Khi làm bánh, gạo nếp được vo qua, ngâm nước từ 2-3 tiếng, sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào chõ đồ thành xôi. Khi xôi đã chín thì đổ ra cối để giã. Phụ nữ chuẩn bị lá để gói bánh thành những chiếc bánh tròn và mỏng” – chị Nênh bảo.

 

 

Giã bánh dày

 

Trong quy trình làm bánh dày, việc giã bánh là công đoạn vất vả hơn cả. Cối để giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ trắc, mịn thớ, có mùi thơm. Chày giã bánh được làm từ các loại gỗ cứng và nặng. Vậy nên giã bánh bao giờ cũng là những chàng trai khỏe mạnh, lực lưỡng.

 

Mỗi lượt giã sẽ có 2 người, những cánh tay thoăn thoắt đưa chày lên hạ chày xuống. Khi thấm mệt, họ chuyển chày cho 2 người khác. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo ngon và để được lâu. Nhưng cũng không thể giã quá lâu, vì khi xôi đã nguội thì giã khó hơn và gạo sẽ không nhuyễn được nữa. Vì vậy, nhiều nhà phải giã bánh chung để có nhiều người thay phiên nhau.

 

Kinh nghiệm của anh Hàng A Chua, ở bản Pa Khen 2, là: “Giã bánh dày phải nhanh và có kỹ thuật. Nếu giã không nhanh, không dứt khoát thì chày sẽ bị dính gạo, khó nhấc lên lại bị mất sức, gạo không mềm nhuyễn. Khi giã, lúc đầu cần giã nhẹ cho xôi quyện và dính, sau đó phải dùng hết sức giã liên tục đến khi xôi dẻo, mịn là có thể đem làm bánh được”.

 

Mâm bánh dày ngày Tết

 

Thường thì cứ vào ngày 29 tết, các gia đình người Mông ngâm gạo, đồ xôi để giã bánh dày. Cả bản người Mông khi đó âm vang tiếng chày.

 

Để không dính tay khi bắt bánh và tăng độ thơm ngon cho chiếc bánh, người ta thường luộc trứng gà, lấy lòng đỏ xoa đều lên tay và các dụng cụ làm bánh.

 

Bánh dày của người Mông không có nhân. Người ăn có thể ăn nóng, cũng có thể để nguội rồi đem rán với mỡ lợn cho phồng lên hoặc nướng trên bếp lửa, chấm với mật ong rừng.

 

Ông Lầu Nhìa Tàng, ở bản Pa Khen 2, bảo rằng, người Mông, đến tết thì già hay trẻ đều mong nhất là có bánh dày. Cái bánh đầu tiên phải để cúng tổ tiên, những cái sau đó mới để ăn và làm quà cho khách đến thăm: "Theo từng dòng Mông mà có thể dùng bánh nhỏ hoặc làm hẳn một cái bánh to như mâm cơm để thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết. Khi hết Tết thì mới được lấy bánh đấy ra ăn".

 

Vào dịp đầu xuân hay các ngày lễ hội, một số bản người Mông còn tổ chức thi làm bánh dày giữa các dòng họ, các gia đình, các bản.

 

 

 

Thào Ly/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC