Uống rượu men lá của người Tày
Thứ hai, 00:00, 31/10/2016

(VOV4) - Bạn hãy một lần đến với làng bản của người Tày để thưởng thức hương rượu ấm nồng. Bạn sẽ rất khó chối từ lòng hiếu khách của họ. Đặc biệt, loại rượu ngô, hay rượu nếp ấy, chỉ do phụ nữ nấu.

 

Để làm được một mẻ rượu ngon đòi hỏi phải am hiểu cách chọn gạo, chọn ngô cũng như chọn men lá. Và theo quan niệm của người Tày, chỉ có phụ nữ là được nấu rượu.

 

Bà Nguyễn Thị Xuyến, dân tộc Tày, ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, nói: “Ngày xưa phụ nữ là quan trọng nhất trong việc nấu rượu này, chứ đàn ông ít khi họ nấu rượu lắm. Kinh nghiệm nấu từ đời ông cha truyền lại, nhìn thấy ông bà bố mẹ mình nấu và mình học xem bao nhiêu cân gạo, bao nhiêu quả men, ủ bao nhiêu lâu. Làm lần đầu không nên thì lần hai sẽ nên”.

 

Công đoạn đầu tiên của việc nấu rượu là xay thóc. Dụng cụ xay thóc được bà con chế tạo cũng khá công phu. Trước đây, người Tày làm bằng cả thân gỗ tròn, to,và chọn gỗ phải theo mùa. Gỗ có thể là gỗ re, gỗ phay, vàng mương có độ dẻo, độ bền, không nứt. Người Tày chặt cây vào mùa đông, vì mùa này nhựa ít, gỗ không mối mọt.

 

 

Rượu men lá của người Tày thường chỉ do phụ nữ nấu. Ảnh: baomoi.com

 

Tùy vào kinh tế từng gia đình mà người ta có thể sử dụng các loại ngũ cốc khác nhau để nấu rượu. Người Tày thường sử dụng men lá với khoảng 10 loại rễ và lá cây mọc ở sườn núi gần suối hoặc vách núi đá. Trong đó có riềng, ớt dại, nét tỳ… Các loại cây này đem đun sôi, chắt lấy nước rồi trộn với bột gạo tẻ, rồi vo thành từng cục men.

 

Ông Mông Văn Hoàng, ở Chợ Mới, chia sẻ: “Men của người Tày thường là men lá do các gia đình truyền cho nhau cách tạo men. Nó là dược liệu ở trong rừng, trong vườn. Đối với men lá dược liệu, khi chế biến ra đảm bảo khử độc tố, độ nồng của rượu không còn. Nếu men chuẩn thì mùi vị rượu thơm, dịu và uống sẽ không bị đau đầu”.

 

Gạo nếp, gạo cẩm, sau khi được đồ thành xôi, để nguội, sẽ được trộn men lá rồi ủ. Thời gian ủ thường từ một tháng đến tháng rưỡi, nếu trời lạnh phải thắp bóng đèn để tăng nhiệt độ, giúp cơm rượu chín đều và thơm hơn. Sau đó, là công đoạn chưng cất rượu. Ngày nay, người nấu rượu thường sử dụng ống dẫn rượu bằng nhôm, đồng. Nhưng nhiều người vẫn theo truyền thống, sử dụng vỏ con ba ba cho rượu chảy qua, để rượu không bị nhiễm độc tố như khi sử dụng ống dẫn bằng kim loại.

 

“Người dân tộc Tày nấu rượu men lá, muốn ngon, phải là bình nấu rượu bằng ba ba. Rượu ngưng tụ sau đó chảy xuống vỏ ba ba và chảy ra. Ngày xưa dùng con ba ba, con rùa, sau đó các nhà không có điều kiện người ta dùng gỗ tạo đúng hình như con rùa hay con ba ba” – ông Hoàng nói.

 

Rượu ngon, theo quan niệm của người Tày, phải có màu đục của gạo, mùi thơm của men lá và uống không đau đầu.  Bạn hãy một lần đến với làng bản của người Tày để thưởng thức hương rượu ấm nồng. Bạn sẽ rất khó chối từ lòng hiếu khách của họ.

 

Đừng khi nào nghĩ họ hết rượu bạn nhé, bởi trong mỗi gia đình  người Tày luôn có một lượng rượu đủ cho họ uống ba tháng, thậm chí cả ba năm cũng không hết!


 

 

Việt Phú/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC