Về nơi mía ngọt lời then
Thứ sáu, 15:17, 26/01/2024 Hoàng Hiền/VOV Đông Bắc Hoàng Hiền/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với cảnh quan Phja Oắc, Phja Đén, Di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo hay các bản du lịch của người Dao, người Tày,... mà còn hấp dẫn du khách bởi các loại đặc sản như măng trúc, miến dong, măng sặt… Mỗi khi Tết đến xuân về, có dịp về với Nguyên Bình, du khách còn được thưởng thức những dóng mía vàng với vị ngọt sắc khó quên.

 

Những ngày cuối năm, du khách có dịp ghé thăm các vùng Hòa An, Nguyên Bình hay thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) dễ dàng bắt gặp hình ảnh vác mía nguyên cây, để cả lá, không bóc bẹ khô được bày bán quanh các chợ phiên. 

Nhanh tay chặt từng khúc mía, bó lại cho khách mua về làm quà, bà Hoàng Thị Hằng (xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình) cho biết, bà đã trồng mía vài chục năm. Giá mía tăng cao nên những ngày giáp Tết, rảnh rỗi là bà mang mía đến chợ Nguyên Bình bán.

"Tôi trồng được 2.000 gốc mía, không có ai giúp đâu, con cái đều có công việc riêng cả, còn những người già như tôi trồng mía để có thêm thu nhập. Tôi vác mía đi chợ, có hôm đẩy xe rùa, hôm nào bán được nhiều thì thuê xe công nông chở. Ngày bán được 200 nghìn đồng. Ngày nhiều khách bán được đến 2 triệu đồng". - Bà Hằng cho hay.

Huyện Nguyên Bình hiện có hơn 25ha mía và diện tích này đều được mở rộng mỗi năm với giống mía vàng chiếm phần lớn. Đây là giống mía có vỏ màu vàng, dóng dài, mềm, nhiều nước và có vị ngọt đậm... được nhiều người yêu thích.

Đi chợ phiên từ sáng sớm, ông Lãnh Văn Tân (Bản Chuồng, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc) ghé mua mấy bó mía về làm quà cho các cháu. Ngắm nghía, chọn được hai cây mía to, thẳng để bày ban thờ, ông Tân tâm sự: "Mua mía bày ban thờ tổ tiên là tục lệ lâu đời ở Cao Bằng những ngày Tết. Từ đời xưa đến nay các cụ vẫn làm, đến tháng Giêng, giáp Tết Nguyên Đán nhà nào cũng đi chợ mua 2 cây mía dựng hai bên bàn thờ. Tôi thấy tục lệ này mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Hai cây mía này còn đủ cả ngọn và gốc. Lá mía được quấn gọn lại, không dùng lạt hay bất cứ loại dây nào để buộc".

Chị Chu Thị Yến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình cho biết: cây mía vàng cũng là loại cây mang lại thu nhập cho các hộ nông dân. Thông thường, bà con lựa chọn, thu gom ngọn mía của vụ trước rồi đem trồng sang vụ sau. Dù vậy, việc tìm đầu ra và thị trường ổn định cho cây mía vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện người dân đa phần chỉ bán nhỏ lẻ tại các chợ hoặc tự kết nối với các tiểu thương thu mua tại ruộng.

"Cận Tết Nguyên Đán bà con đón một số thương lái đến mua với giá cả khá cao. Một số hội viên có điều kiện mang mía đi các huyện khác để tiêu thụ. Tết Nguyên đán, bà con bán được những cây mía dùng để thắp hương bàn thờ. Nếu như có công ty nào thu mua theo giá các thương lái bà con sẽ yên tâm hơn. - Chị Chu Thị Yến nói.

Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 đã chạm ngõ. Nếu có dịp đến Nguyên Bình, khách phương xa hãy ghé chân mua vài vác mía, thưởng thức vị ngọt đậm đà khó quên của giống mía vàng và cùng cảm nhận sự mộc mạc, chất phác của con người nơi đây.

Hoàng Hiền/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC