Xa quê, nhớ Slíp Slí hu nhùng
Thứ ba, 00:00, 16/08/2016 Lý Viết Trường CTV Lý Viết Trường CTV

(VOV4) - Đã tới ngày Slíp slí! Thoảng một ngọn gió heo may ngày chớm thu cũng đủ làm xao lòng đứa con xa quê, bởi tìm đâu được không khí Slíp slí, tìm đâu được niềm vui trong trẻo an lành giữa những người yêu thương... Đó là nỗi niềm của Lý Viết Trường, quê ở xã Thạch Đạn, Cao Lộc, Lạng Sơn, cựu sinh viên Khoa Lịch sử, Đại học KHXH&NV Hà Nội.

 

Từ đầu tháng Bảy, ông tôi đã hỏi bố tôi năm nay góp quay lợn với những ai. Chẳng biết từ bao giờ, cứ đầu tháng Bảy, cả cái bản Nà Lẹng nhỏ bé lại sôi động câu chuyện chung nhau thịt lợn tết slíp slí. Nhà nhiều người thì lấy 1 fjằn (phần), nhà ít người thì chung nhau với nhà hàng xóm mỗi người nửa fjằn. Ngày mười ba tháng Bảy năm nào cũng vậy, khi mặt trời vừa ngả bóng là lúc cả bản rộn tiếng lợn “eng éc, eng éc”.

 

Tết slíp slí là cái tết lớn thứ hai, chỉ sau tết nguyên đán. Để chuẩn bị cho tết này, các mẹ các chị phải hái lá gai, phơi đỗ xanh và chuẩn bị gạo nếp từ tháng 5, tháng 6 âm lịch. Có lẽ với những người cha, người mẹ thì tết slíp slí đến từ đầu tháng Bảy, khi hương vị của tết về đầy trên gác. Nhưng với những đứa trẻ con thì có lẽ tết slíp slí bắt đầu nhen nhóm từ sáng 13 tháng Bảy âm lịch, khi những tiếng chày giã bánh “cùm cụp, cùm cụp” từ sáng, rồi đến quá trưa, tết đã đến rộn ràng với những tiếng lợn kêu khắp bản còn (bản còn = làng xóm).


 

Dân bản Nà Lẹng sôi động chuẩn bị Tết Slíp-slí.  Ảnh:blogspot.com

 

Tối 13, đám trẻ con ai nấy đều háo hức ngắm những chú lợn quay trên bếp than hồng. Lũ trẻ bày đủ trò chơi dân gian như “hét fjớt”, “tò fjạy”… để chờ khi bì lợn chuyển từ màu trắng sang màu vàng ươm thơm nức.

 

Người Tày, Nùng chúng tôi thương trẻ con lắm, khi lợn chín bao giờ đám trẻ cũng là những người được thưởng thức đầu tiên. Khi quay lợn thì trẻ con được người lớn dành cho cái đuôi thơm phức, khi thịt gà thịt vịt thì người lớn dành cho trẻ con đôi còng.

 

Ông tôi thường nói với bố tôi rằng người Tày, Nùng mình thịt gà vịt không ai chặt còng cả, nếu nhà không có trẻ con thì mang sang cho trẻ con nhà hàng xóm, ai mà làm ngược lại điều này thì ông trời sẽ bảo Mẹ Hoa không ban con cho nhà họ. 

 

Mâm cỗ cúng trong ngày tết slíp slí không thể thiếu thịt vịt. Bà con cho rằng vịt là giống ở nước. Cúng vịt là để cầu cho điều xấu sẽ theo dòng nước trôi đi. Ảnh: Lý Viết Trường

 

Ngày slíp slí, từ sáng sớm tinh mơ,  đã nghe tiếng “loóc coóc” của những con dao chặt thịt lợn. Mấy nhà chung nhau quay lợn dậy từ sớm để chặt thịt chia nhau. Người ta không dùng cân để chia mà chặt con lợn chia đều từng phần. Mỗi nhà sẽ nhận lấy một phần cho mình, hài lòng với phần mà mình chọn. Bố tôi bảo miếng ăn hơn nhau một chút chẳng sao cả, quan trọng là tình cảm người ta dành cho nhau chứ miếng ăn thì thấm tháp gì. Có lẽ ai cũng nghĩ như bố tôi nên trong cuộc sống, người Tày, Nùng thường nhận công việc khó khăn cho mình, nhường những công việc thuận lợi cho bà con hàng xóm.

 

Tết slíp slí là dịp để con cháu nhớ về tổ tiên, nhớ lại những ngày tháng vui vầy cùng những người đã khuất. Trong dịp tết này, người còn sống đốt quần áo giấy, vàng mã cắt bằng chỉ sla (giấy bản) cho người đã mất. Tôi còn nhớ hồi ông tôi còn sống, cứ sáng 14 âm lịch, ông lại lôi tập giấy màu đã được mua từ phiên chợ đầu tháng  ra để cắt. Dưới bàn tay run run của ông, từng chiếc áo nhỏ nhắn xinh xắn hiện ra thật đẹp mắt. Sau khi cắt quần áo giấy xong, ông lại lôi tệp chỉ sli ra cắt kim ngừn (vàng bạc), việc cắt kim ngừng dễ hơn cắt quần áo nên tôi học một hai lần là biết cắt.

 

Ông tôi bảo mình đốt vàng mã cho tổ tiên để tổ tiên ăn vận hằng ngày. Qua những câu chuyện của người lớn, tôi biết rằng ngoài thế giới này thì bên kia thế giới, các cụ, các kỵ cũng đang sống và nhớ về chúng ta. Vì thương các cụ nên chúng ta đốt vàng mã cho các cụ, mong các cụ có một cuộc sống an nhàn tự tại nơi miền cực lạc. Và vì thương chúng ta nên các cụ vẫn luôn ngày ngày cầu mong giúp đỡ chúng ta bình an trên cõi đời này.

 

 

Đĩa thịt vịt trong ngày Rằm tháng Bảy - Tết của người Tày, Nùng Cao Bằng. Ảnh: baocaobang.vn

 

Mâm cơm ngày tết slíp slí mới thật nhiều món làm sao, nào thịt lợn quay vàng óng, nào thịt vịt mềm thơm, nào bánh gai đen óng, nào là xì tải tròn đầy mềm mại như đôi bầu sữa… Nếu ai đó bắt tôi phải kể và so sánh các món ăn và thức quà hiện diện trong ngày tết slíp slí, có lẽ tôi sẽ cười trừ và nói chẳng có mỹ từ nào có thể đủ để miêu tả được cái đẹp, cái hấp dẫn của món ăn và thức quà ngày tết slíp slí.

 

Nếu tết slíp slí chỉ đơn thuần là ăn và ăn thì có lẽ nó không đủ hương vị để khiến cho những người Tày, Nùng xa quê phải mong mỏi hướng về quê cha đất mẹ mỗi khi gió heo may chớm lạnh. Sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu như kể về tết slíp slí mà quên tục fjây tái (sêu tết) vào ngày 15 tháng 7 âm lịch. Tết slíp slí của người Tày, Nùng bắt đầu từ ngày 13 và kéo dài đến hết ngày 15. Những người con gái lấy chồng xa nhà mong nhanh cho đến ngày 15 âm lịch được về quê ngoại thăm cha mẹ.

 

Người Tày, Nùng chúng tôi thường có câu “bươn chiêng kin dau hí / slíp slí ki hôn nhùng” (tháng giêng ăn lo ngay ngáy / rằm tháng bảy ăn nhởn nha” với ý muốn nói rằng tết slíp slí là thời điểm mùa màng vụ Xuân – Hạ đã thu hoạch xong, công việc của vụ Thu – Đông cũng đã ổn thỏa, vậy nên tết slíp slí mọi người ăn trong không khí vui vẻ vì lúa thóc đã đầy bồ, ngô khoai đã đầy sàn. Người ta thường mang theo con vịt, bánh trái về biếu ông bà ngoại để tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ.

 

Cha mẹ thì mong ngóng con cái trở về để được nghe những câu chuyện của những đứa con lấy chồng xa nhà.Tết slíp slí của người Tày, Nùng đẹp như một dòng sông êm đềm chảy giữa trời thu gió nhẹ. Slíp slí luôn tồn tại trong tâm trí của mỗi người con Tày, Nùng dù ở quê hay xa quê, và nỗi bồi hồi dâng lên mỗi khi gió heo may đầu mùa nhẹ thổi.

 

 

Lý Viết Trường

Lý Viết Trường CTV

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC