Các phật tử hoan hỷ dự Lễ dâng y Kathina tại chùa Khmer ở Làng văn hóa
Thứ ba, 10:50, 08/11/2022 Lâm Thanh/VOV4 Lâm Thanh/VOV4
VOV4.VOV.VN - Đại lễ dâng y Kathina năm 2022 (Phật lịch 2566) vừa diễn ra Tại chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là lễ hội hàng năm của Phật giáo có từ thời Đức Phật còn tại thế, vì vậy các nghi thức được tổ chức rất trang trọng trong niềm hoan hỷ của các tăng ni, phật tử.
Đồng bào phật tử hoan hỷ trong lễ dâng y Kathina tại Chùa Khmer - Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây - Hà Nội.

Dân tộc Khmer ở Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người, sống tập trung ở tại các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long... Trong bức tranh văn hóa dân tộc Việt Nam, đây là một cộng đồng lớn, cư trú ở phía Nam và Tây Nam của tổ quốc.

Là tộc người thuộc nhóm ngữ hệ Môn – Khmer, người Khmer ở Việt Nam có chữ viết riêng. Cuộc sống của người Khmer gắn liền với nghề canh tác lúa nước và nhiều nghề thủ công.

Đồng bào theo Phật giáo Nam Tông. Họ có tập tục con trai lớn lên phải vào chùa tu. Thứ nhất để báo hiếu cho cha, mẹ, thứ hai là học kinh Phật, hiểu biết về những điều tốt, xấu nhằm trở thành người có ích. Sau thời gian tu học, hoàn tục về lại đời thường.

Họ có cả một kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, có một nền sân khấu truyền thống như Dù kê, Dì kê, một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam á.

Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc nhất của văn hoá Khmer. Trong các ngôi chùa Khmer của Phật giáo tiểu thừa (Thérévada), ngoài tượng Ðức Phật Thích Ca được tôn thờ duy nhất, chiếm vị trí trung tâm khu chính điện, là một hệ thống phong phú linh thần, linh thú - những dấu vết tàn dư còn lại của Bà la môn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Trong năm, người Khmer có nhiều nghi lễ lớn như: Lễ Phật Đản, Lễ nhập hạ, Lễ Xuất hạ... trong đó có lễ dâng y Kathina.

Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy từ khởi nguyên, mỗi năm có một mùa an cư nhập hạ kéo dài 3 tháng, sau những ngày người tu hành đã tinh tấn trong đạo học và giữ gìn thu thúc trong giới hạnh là đến ngày phật tử có cơ hội duy nhất trong năm dâng bộ y áo cà sa Kathina, bình bát và tứ sự tới chư vị Tỳ khưu.

Vì thế, hàng năm, từ rằm tháng 9 tới rằm tháng 10, tại các trường hạ, nơi có chư tăng an cư, lễ dâng y Kathina được tổ chức long trọng và thiêng liêng. Các phật tử ngoài dâng y là thứ quan trọng nhất trong lễ, còn dâng lên chư tăng các vật dụng, lương thực…

 

Lâm Thanh/VOV4

Lâm Thanh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC