Ông Võ Hoài Phong (58 tuổi) ngụ ở phường 4, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, là chủ garage sửa xe ôtô, với thâm niên làm nghề cơ khí. Tận mắt chứng kiến nhiều bãi rác thải gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường, nên từ năm 2016 đến năm 2019, ông Phong bỏ ra hơn 20 tỷ đồng đầu tư, nghiên cứu mô hình nhà máy chuyên xử lý rác tuần hoàn với mô hình nhỏ gọn.
Với tâm huyết và kinh nghiệm nhiều năm làm về cơ khí, ông áp dụng những kiến thức đã áp dụng vào thực tế trong qua trình làm việc để chế tạo lò đốt rác yếm khí cho ra gas tổng hợp, phát điện phục vụ sinh hoạt gia đình; rồi chế tạo các động cơ có chức năng khác nhau để phục vụ cho việc phân loại, vệ sinh rác thải, tinh chế phân hữu cơ, nghiền nén rác thải rắn, nhựa tổng hợp thành vật liệu xây dựng, hay đốt reackin tinh chế ra xăng, dầu…Đặc biệt các công đoạn này đều hoạt động tuần hoàn, kể cả nước thải cũng được tái sử dụng, đảm bảo tốt vấn đề môi trường. Với tiêu chí: không mùi hôi, không chôn lấp, đốt không khói, không xả nước thải ra môi trường. Tâm huyết với mô hình tái tạo rác thải thành sản phẩm hàng hóa và bảo vệ môi trường, ông Võ Hoài Phong đã cùng các cộng sự thành lập Công ty cổ phần Nam Long Xanh.
“ Ý tưởng này đối với mình khó thì không khó, nghiên cứu thì sẽ thành công. Nhưng mà qua 3 năm nghiên cứu rồi có vài ba tháng thất bại, mình cắt cái đó bỏ rồi mình làm cái khác, có nghĩa là mình làm khi nào hoàn thiện thì thôi. Về đây thì anh Bình chủ tịch huyện thấy mô hình này hợp lý nên cho phép mình làm thử nhà máy. Hướng tới mình tính sẽ mở rộng thêm để cho bà con bớt mùi hôi thối, ruồi nhặn; thứ hai mình cho ra nguồn phân bón để bà con phục vụ cho nông dân áp dụng sinh thái organic, không có phân, thuốc trừ sâu độc hại. Dầu, xăng thì mình sẽ cung cấp ra thị trường, khi mà cơ quan nhà nước cho phép, khúc sau mình tính tiếp”. - Ông Phong chia sẻ.
Năm 2023, cơ duyên đã đưa ông Phong về bãi rác tại ấp Hòa Phú, xã Long Bình nơi có hàng nghìn tấn rác mà người dân địa phương bỏ phế gần nghĩa địa nhiều năm qua gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ông Võ Hoài Phong tâm sự: " Chỗ này người ta cho mình làm thứ nhất để mình thử nghiệm công nghệ để người ta theo dỏi công nghệ của mình đạt tiến độ tới đâu, có ô nhiễm môi trường hay không, có phát thải hay không. Cái này do huyện, tỉnh đề xuất chỉ chỗ nào mình đến chỗ đó thôi. Họ hướng dẫn mình chỉ có bãi rác ấp Hòa Phú thôi nên minh vô đây. Thật ra cái bãi rác này ô nhiễm nhiều lắm gây bức xúc đối với người dân. Mục đích mình vô đây thử công nghệ của mình thứ 2 là để chứng minh mình nói được làm được, nó rất vừa với mô hình của mình”.
Rời phố thị xa hoa, gần một năm qua, ông Võ Hoài Phong đã cùng người bạn đời - bà Lương Thị Thu Thảo, ăn ngủ tại cái lán dựng ngay trên bãi rác nằm cạnh nghĩa địa. Nhớ lại những ngày đầu gian khó bà Lương Thị Thu Thảo, bộc bạch: " Tâm huyết của chị luôn nghĩ cho cộng đồng, nên cực cổ mình phảu chịu chứ sao, tâm huyết của mình phải hoàn thành. Ngủ võng nè, có khi đau lưng quá thì lên xe lật cái cóp xe xuống bỏ tấm trải vô nằm lăn lóc trên xe ngủ. Bên hông bãi rác chọn một nơi để bố trí chỗ ăn uống, mưa thì dột, khó khăn, vất vả lắm nhưng mình phải cố gắng vượt qua. Hướng tới mình luôn luôn đồng hàng cùng ông xã và đồng nghiệp với mục đích là nhà máy xử lý rác phải thành công".
Khi được các cấp chính quyền cho phép đặt nhà máy tại đây, ông đã cùng các công sự tiếp tục đầu tư thêm gần 30 tỷ đồng, mua sắm máy móc, trang thiết bị cần thiết để đưa nhà máy đi vào hoạt động. Đặc biệt, ông còn nghiên cứu thành công loại chế phẩm sinh học để xử lý mùi hôi tại khu bãi rác rộng hơn 3.000 mét vuông.
Sự xuất hiện của Công ty cổ phần Nam Long Xanh tại đây đã là "khắc tinh" đối với tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây diễn ra nhiều năm qua. Ông Đỗ Hoàng Dũng, Phó trưởng ấp Hòa Phú, xã Long Bình- người thường xuyên quan tâm đến quy trình sản xuất của nhà máy xử lý rác thải, phấn khởi khẳng định:“ Trước đây, bãi rác tại ấp Hòa Phú, xã Long Bình rất là ô nhiễm, nhất là không khí, bà con nơi đây có cuộc sống không yên ổn. Nhưng từ khi anh Phong đến đây lập cái xưởng, xử lý thuốc không còn mùi hôi, không còn ruồi phải nói là bà con chúng tôi ở đây rất vui mừng phấn khởi lắm. Anh đã sản xuất ra phân viên, thuốc sinh học tặng choc ho tụi tôi xịt cho hoa màu hiệu quả rất cao. Anh có cùng chúng tôi có mời nông dân làm ruộng đến dự hội thảo để anh triển khai thì bà con sử dụng rất tốt, mô hình này quá hay, quá đẹp”.
Sống trong một môi trường độc hại nhưng vì cái tâm với ý chí phải “chiến thắng” rác thải mang mại nguồn lợi cho bản thân và làm sạch môi trường sống đã thôi thúc ông gắn bó với nơi này. Bước đầu mô hình xử lý rác được nhiều người đánh giá là sáng tạo và hiệu quả. Ngày ngày, ông và các cộng sự như "con ong cần mẫn" làm việc hăng say, quyết tâm "biến" rác thành tiền:
Hiện tại, nhà máy xử lý rác của công ty Nam Long Xanh đã dần hoàn thiện quy trình xử lý rác thải theo quy trình khép kín; với năng lực xử lý mỗi ngày lên đến trên 20 tấn rác, tận thu khoảng 6 tấn phân hữu cơ và sản xuất ra khoảng 200 lít xăng, dầu. Ông Lê Văn Hùng, một doanh nhân tại tỉnh Tiền Giang sau khi đến tham quan nhà máy xử lý rác của Công ty Nam Long Xanh nói: “Qua tham quan thấy mô hình xử lý rác này rất hay. Tôi từ đó đến giờ mới thấy đó, nhà máy xử lý rác này khi mình bước vào không hề có mùi hôi. Từ rác mà chế tạo ra làm dầu, chất đốt, sau đó làm phân hữu cơ, vô cơ. Bước đầu rác thải này làm rất tốt, mô hình này địa phương cần nhân rộng ra nhiều chỗ nữa, rất hiệu quả”.
Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương trong cả nước đang “kêu cứu” vì các bãi rác ngày càng phình to và là gánh nặng cho xã hội có những bãi rác đã tồn tại hàng chục năm. Có nhiều bãi rác tồn đọng từ hàng nghìn tấn gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Thực tế, tại nhiều tỉnh, thành rất khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác hoặc khi triển khai thì hiệu quả không như mong muốn. Điển hình như tại tỉnh Bến Tre, dự án xây nhà máy xử lý rác tại bãi rác tập trung của tỉnh (xã Hữu Định, huyện Châu Thành) hơn 10 năm qua không hoàn thành, UBND tỉnh này phải rút giấy phép vì nhà đầu tư triển khai "rùa bò", không khả thi và đang kêu gọi nhà đầu tư khác. Hay tại các bãi rác lớn trong tỉnh Tiền Giang hàng chục năm qua, địa phương chưa kêu gọi nhà đầu tư nào đến xây dựng dựng dự án nhà máy xử lý rác.
Qua trí sáng tạo, mày mò, nghiên cứu của ông Võ Hoài Phong và các cộng sự, bước đầu từ rác thải hữu cơ, nhà máy Nam Long Xanh sản xuất ra phân hữu cơ dạng viên và dạng nước dùng để bón và phun vào lá cây rau màu, cây hoa kiểng, nhất là chức năng cải tạo đất bạc màu, bị nhiễm mặn đạt kết quả rất tốt.
Hiện tại, mẫu phân hữu cơ của Công ty Nam Long Xanh được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Bộ Khoa học- công nghệ tại Tp. HCM) và Viện kiểm nghiệm và Kiểm định chất lượng VNTEST (Liên Hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) xét nghiệm cho thấy, đa số các chỉ số đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Riêng nhiên liệu đốt đang chọn đơn vị có chức năng kiểm định chất lượng để sớm hoàn chỉnh sản phẩm hàng hóa, đưa ra thị trường, phục vụ nhu cầu xã hội.
Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây là một trong những cá nhân theo sát nhà máy xử lý rác thải của ông Võ Hoài Phong cho biết: “Mô hình đó tụi tôi mời về và theo sát đó, bước đầu thấy có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu kinh tế tuần hoàn, không có bỏ gì hết, kể cả nhựa, túi ni lông đã được đưa vô bồn đốt trong môi trường yếm khí, giống như mình chưng cất ra dầu. Hiện tại, các sản phẩm đó anh Phong đang tìm đầu ra, phân nén thành viên, ủ các loại, xử lý các vi khuẩn có hại, ủ lên men, quy trình sấy khô nén thành viên ra phân bón hữu cơ, nói chung không bỏ cái gì hết đã có kết quả đó. Bây giờ, thấy ổn, có kết quả tôi sẽ mời Sở Tài nguyên-MT, Sở Khoa học- công nghệ và các Sở, ngành xuống để thẩm định, hoàn tất hồ sơ, bắt đầu công bố đảm bảo tính pháp lý, chúng tôi sẽ cho anh Phong dự thầu cái dự án nhà máy xử lý rác của huyện mình với quy mô nhỏ. Tụi tôi ủng hộ anh hết mình luôn, hay lắm”.
Dù đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn, chưa thu lợi nhuận gì, nhưng ông Võ Hoài Phong và các cộng sự nơi đây vẫn luôn rạng rỡ niềm vui, vì rác thải đã trở thành tài nguyên hữu ích cho cuộc sống, tương lai sẽ không còn là vấn nạn, quan trọng hơn môi trường sống được cải thiện. Ông Võ Hoài Phong tin tưởng chia sẻ: “Bây giờ kỹ thuật đã vững rồi, bây giờ tôi muồn đề xuất cho tôi mở rộng địa bàn không cần diện tích lớn đâu ví dụ như một huyện một nhà máy hoặc một xã một cái. Vốn thì nếu được nhà nước hỗ trợ càng tốt”.
Rác thải sẽ không còn là thứ bỏ đi mà sẽ là tài nguyên có giá trị, mô hình nhà máy xử lý rác tuần hoàn của Công ty Nam Long Xanh do ông thợ cơ khí Võ Hoài Phong khởi xướng đã chứng minh điều đó. Người "kỹ sư" không bằng cấp này đã đưa ra mô hình xử lý rác thải đầy sáng tạo, để ứng dụng thực tiễn, giải quyết được nhu cầu bức xúc của cuộc sống con người.
Tuy nhiên, mô hình này đang rất cần sự chung tay, góp sức, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan, các nhà đầu tư, để có "đủ lực", tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả và công suất góp phần cải thiện môi trường sống, tạo việc làm cho người dân./.
Viết bình luận