Cao Bằng: Đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Thứ tư, 00:00, 26/12/2018 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Thời gian qua, Cao Bằng có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

 

Là địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 333km, có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, nhưng nhiều năm qua, Cao Bằng- vùng đất cội nguồn cách mạng vẫn chỉ được biết đến là một tỉnh miền núi nghèo và khó khăn bậc nhất cả nước. Cao Bằng là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ 3 cả nước sau Điện Biên và Hà Giang.

Cao Bằng có rất nhiều lợi thế như: hệ sinh thái tự nhiên thiên nhiên cực đẹp, là nơi chiêm nghiệm trải nghiệm một cuộc sống mới, có không khí phát triển gắn liền với nhiều di tích lịch sử văn hóa và cách mạng của dân tộc Việt Nam.

(Nhà máy thủy điện Bảo Lâm có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Cao Bằng- Ảnh: VOV)

Bên cạnh đó, Cao Bằng nằm ở địa điểm trung chuyển và hoàn toàn có khả năng trở thành một mắt xích quan trọng trong kết nối các cụm kinh tế phía Bắc của Việt Nam cũng như các cụm kinh tế phía Đông của Trung Quốc, kết nối các cực tăng trưởng đã và đang tồn tại.

Tuy nhiên, Cao Bng lại không thu hút được các nhà đầu tư để phát triển, bởi giao thông đi lại khó khăn. Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xác định được tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn của địa phương, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh với tôn chỉ: Chính quyền luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư không chỉ bằng những cam kết trên giấy, mà bằng những hành động thiết thực và cụ thể, để các dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư sẽ sớm được triển khai.

Cao Bằng cũng chủ trương kêu gọi đầu tư dựa trên những thế mạnh sẵn có của từng địa phương. Như đối với Nguyên Bình, một huyện miền núi vùng cao của tỉnh, nơi có nhiều mặt hàng thương phẩm có giá trị cao như miến dong, trúc sào… cũng là nơi có khu du lịch sinh thái Phia Oắc- Phia Đén, được coi là nóc nhà của Cao Bằng, một “Sapa thứ 2” , thì việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp và du lịch được coi là chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khi công viên địa chất Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu đã mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển du lịch thì việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, điện, cơ sở lưu trú… lại càng được Cao Bằng đặc biệt ưu tiên, nhất là với những dự án trong lĩnh vực hạ tầng, tạo bước đệm để các ngành kinh tế khác phát triển.

Các dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ cùng với hệ thống đường giao thông, lưới điện địa phương được nâng cấp và cải tạo sẽ tăng khả năng kết nối về kinh tế xã hội, gắn kết thúc đẩy phát triển giữa các địa bàn kinh tế trong vùng. Thời điểm hoàn thành sẽ thu hút 650 lao động tại địa phương và đóng góp cho ngân sách ước tính 460 tỷ đồng mỗi năm, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh, đóng góp vào các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tăng cường thu hút đầu tư, cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng Cao Bằng cũng có những yêu cầu mang tính ràng buộc với các nhà đầu tư như tạo việc làm và thu nhập cho người lao động tại địa phương, sản xuất kinh doanh phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, không phá vỡ các giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử, không sử dụng lao động bất hợp pháp, chấp hành các quy định của pháp luật về thuế…

Nhờ đó, thời gian qua kinh tế Cao Bằng có chuyển biến rõ nét, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 ước đạt 7%, GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt gần 1.100 USD. Sự phát triển của tỉnh cũng chính là lợi ích lâu dài của những nhà đầu tư. Đây chính là những bàn đạp để kinh tế Cao Bằng thực sự cất cánh./.

 

Duy Thái/VOV Đông Bắc

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC