Đăk Lăk: Phụ nữ chung tay, buôn làng bình yên
Thứ hai, 00:00, 02/03/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ ở Đăk Lăk có nhiều mô hình cách làm sáng tạo thu hút tập hợp chị em người dân tộc thiểu số tham gia hoạt động xã hội ở địa phương. Khi có sự chung tay của phụ nữ - những người chủ gia đình theo chế độ mẫu hệ, các buôn làng ở Đăk Lăk đã tìm được sự bình yên, ổn định, phát triển.

 

Đăk Lăk là tỉnh khu vực Tây Nguyên nhưng có tới 49 dân tộc anh em cùng sinh sống.  Bằng những mô hình cụ thể sát hợp với thực tế, các cấp hội phụ nữ ở Đăk Lăk đã thu hút tập hợp được đông đảo chị em vùng dân tộc thiểu số chung tay giữ vững bình yên buôn làng.

(Những phụ nữ tiêu biểu của Đắc Lắc- Ảnh: VOV)

Những năm trước đây, buôn Sek, xã Dliêyang, huyện Ea H’leo là một trong những điểm đen về tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đăk Lăk. Nguyên nhân do nhiều thanh thiếu niên địa phương thường xuyên tụ tập uống rượu, gây rối, phóng nhanh vượt ẩu. Đầu những năm 2000, buôn Sek cũng là một điểm nóng về vượt biên trái phép.

Nhưng từ khi có mô hình “Chi hội phụ nữ an toàn về an ninh trật tự”, buôn Sek đã dần bình yên. Hội phụ nữ buôn Sek đã t chức tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân trong buôn không vi phạm pháp luật, thực hiện ký cam kết xây dựng gia đình an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự, chấp hành nghiêm pháp luật, quy ước thôn buôn và xây dựng gia đình 5 không 3 sạch.

 Vai trò “làm chủ” của phụ nữ theo chế độ mẫu hệ được phát huy, an ninh trật tự ở buôn Sek đã ổn định. Từ khi có mô hình này tình hình tệ nạn trong buôn đỡ nhiều, không còn tình trạng vượt biên. Đặc biệt là buôn không có người nghiện ma túy, tai nạn giao thông cũng giảm nhiều.

Cũng là một điểm nóng về an ninh trật tự trong vùng dân tộc thiểu số, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư Mga, tỉnh Đăk Lăk, đã vượt lên xây dựng nông thôn mới nhờ sự chung sức của phụ nữ địa phương.

Xã Cư DliêMnông có 6 loại hình câu lạc bộ, tổ chức theo đặc thù từng buôn, như “câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ an ninh trật tự”, “tổ tự quản phụ nữ”, “câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình”, “tiếng kẻng an ninh”…

Từ các mô hình này, Hội phụ nữ xã đã bảo vệ 16 trường hợp bị bạo lực gia đình đến địa chỉ tin cậy tại nhà cộng đồng, hòa giải giúp 18 cặp vợ chồng đoàn tụ, cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị để bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật, giáo dục hàng chục thanh niên không còn tụ tập uống rượu gây rối, giúp đỡ 10 thanh thiếu niên hoàn lương hòa nhập cộng đồng…

Các câu lạc bộ đã tạo sân chơi thu hút tập hợp đông đảo phụ nữ và người dân tham gia, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từ đó giữ vững bình yên buôn làng.

Còn tại thôn 6A - vùng định cư của người dân tộc thiểu số phía Bắc ở xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, 3 năm trước là điểm nóng về ma túy. Chi hội phụ nữ địa phương đã xây dựng mô hình “gia đình không có người thân nghiện ma túy” tuyên truyền thông tin kiến thức pháp luật giúp các thành viên nhận thức sâu sắc về tác hại của ma túy, vận động người thân không sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy và nêu cao tinh thần phát hiện tố giác tội phạm.

(Chi Kpa HBen-một trong những phụ nữ góp phần giữ vừng sự bình yên cho buôn làng- Ảnh: VOV)

Kết quả đã cung cấp thông tin cho công an bắt giữ 2 đối tượng tàng trữ mua bán trái phép chất ma túy, vận động 7 người cai nghiện ma túy thành công. Đặc biệt, trong thôn 6A, 70 chị em trong hội phụ nữ thì hoàn toàn không có con cái mắc nghiện.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Đăk Lăk cho biết: kinh nghiệm thu hút đoàn kết chị em trong vùng dân tộc thiểu số, quan trọng là tập trung giúp phụ nữ nâng cao kinh tế, ổn định đời sống, từ đó, họ tích cực tham gia các hoạt động địa phương, gắn với thực hiện tốt các chính sách pháp luật.

Thời gian qua rất nhiều mô hình câu lạc bộ phụ nữ đã được mở ra, nhân rộng trên toàn tỉnh. Tùy theo đặc thù mỗi khu dân cư mà hội có cách thức tổ chức phù hợp với phụ nữ địa phương và xây dựng những điển hình tiên tiến trong từng lĩnh vực.

Đến nay hội phụ nữ toàn tỉnh Đăk Lăk đã xây dựng, biểu dương 945 điển hình trên các lĩnh vực, trong đó gần một nửa là phụ nữ dân tộc thiểu số. Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng liên tục rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình để có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Từ thực tiễn cơ sở, Đăk Lăk đã xuất hiện nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả như: “Chi hội phụ nữ đảm bảo an ninh trật tự”, “Buôn làng bình yên, gia đình hòa thuận”, “Gia đình không có người nghiện ma túy”, “Câu lạc bộ gia đình bình đẳng tiến bộ”… 

Riêng mô hình câu lạc bộ gia đình bình đẳng tiến bộ hạnh phúc, đã quy tụ được đông đảo chị em người dân tộc thiểu số, các hộ gia đình, kể cả đàn ông tham gia.

Từ những câu lạc bộ này, Hội phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho các thành viên trong gia đình bỏ những hủ tục lạc hậu không còn phù hợp mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc ở từng địa phương.

Đặc biệt, theo truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhất là người Êđê, thì người phụ nữ giữ vai trò trụ cột trong gia đình và họ phải gánh quá nhiều trách nhiệm nặng nề. Thông qua những cuộc vận động, những chương trình này, Hội phụ nữ đã dần nâng cao trách nhiệm của người đàn ông là họ cùng san sẻ trách nhiệm với người phụ nữ trong gia đình nhưng vẫn giữ được chế độ mẫu hệ Êđê.  

Bằng những mô hình cụ thể sát hợp với thực tế, các cấp hội phụ nữ ở Đăk Lăk đã là chỗ dựa vững chắc cho chị em vùng dân tộc thiểu số, tích cực vận động chị em cùng chung tay bảo vệ buôn làng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động phụ nữ 5 không 3 sạch, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng ấm no hạnh phúc./.

 

 

 

Minh Huệ/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC