Hơn 200 gia đình ở Lào Cai thoát nghèo nhờ cây Actiso
Thứ hai, 00:00, 19/03/2018
VOV4.VN - Lễ hội Ngày mùa cắt lá, thu hoạch Atiso vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai và Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco tổ chức. Hiện nay, tại Lào Cai có hơn 200 gia đình trồng cây atiso, thoát được nghèo nhờ cây dược liệu.

Lào Cai hiện có 100 ha cây dược liệu atiso được trồng tại huyện Sa Pa (75ha) và huyện Bắc Hà (25ha), được Công ty Cổ phần dược phẩm Traphaco cam kết bao tiêu sản phẩm phục vụ sản xuất thuốc. Người dân thu lãi 150 triệu đồng/ha.

Anh Thào A Cáng, dân tộc Mông, ở thôn Má Tra, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, sau gần 10 năm trồng Atiso, đã thoát nghèo, tích lũy được hơn 100 triệu đồng. “Tôi đã trồng Atiso được 8 năm. Mỗi năm thu nhập ít nhất 10 triệu đồng, nếu chăm chỉ có thể lên đến 20 triệu đồng. Tôi trồng sớm nhất ở thôn này, sau đó nhiều người học theo tôi và giờ đã trồng được như tôi” - anh nói.

Hơn 200 gia đình ở Lào Cai thoát nghèo nhờ cây Atiso. Ảnh:baolaocai.vn

Cây Atiso được trồng tại Lào Cai từ năm 2000 và giai đoạn phát triển nhất là từ năm 2010 đến nay. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, cho biết, hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là gần 50%. Trồng Atiso nói riêng, cây dược liệu nói chung, đang là hướng đi để xóa đói, giảm nghèo.

Theo ông Tuấn: “Doanh thu từ cây atiso khoảng 300 triệu đồng/ha, thu hoạch cả rễ và lá nên giá trị rất cao. Tại vùng trồng cây dược liệu thì đời sống người dân cao hơn nhiều so với trước đây, bà con rất phấn khởi. Chúng tôi mong muốn phát triển mở rộng diện tích trồng atiso, tuy nhiên đang phụ thuộc vào thị trường và sức mua của công ty”.

Atiso là thành phần cơ bản của thuốc bổ gan Boganic. Sản phẩm này vừa được Bộ Công thương lần thứ 2 công nhận “Top 10 sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu xuất sắc”. Hiện Công ty cổ phần Traphaco đã chủ động được gần 90% nguồn dược liệu sản xuất dược phẩm. Trong bối cảnh ngành dược Việt Nam phải nhập 90% số dược liệu, Công ty được đánh giá là đơn vị đi đầu trong phát triển vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco cho biết: “Nếu có vùng dược liệu đảm bảo chất lượng thì sẽ chủ động được số lượng nguyên liệu cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tránh được sự thao túng của thị trường. Thứ hai là chất lượng dược liệu rất quan trọng, phụ thuộc vào hoạt chất và việc dự phòng được chất độc hại không mong muốn. Để đảm bảo chất lượng, bắt buộc phải phát triển vùng dược liệu”.

Sau 10 năm triển khai dự án phát triển bền vững nguồn dược liệu, Công ty Traphaco đã có vùng dược liệu hơn 36.000 ha atiso, đinh lăng, bìm bìm, chè dây và rau đắng, góp phần chủ động sản xuất và nâng cao chất lượng dược phẩm.

Văn Hải/VOV1

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC