Khởi sắc trên quê hương cách mạng Krông Bông, Đắk Lắk
Thứ sáu, 00:00, 21/08/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Từng là căn cứ cách mạng của tỉnh Đắk Lắk trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, sau hơn 55 năm độc lập, diện mạo huyện Krông Bông đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

 

Mùa này, trên cánh đồng buôn Tul, xã căn cứ cách mạng Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, lúa đã cúi bông, chỉ hơn nửa tháng nữa bà con ở đây bước vào mùa gặt.

Một góc cánh đồng buôn Tul, xã Yang Mao - Ảnh: VOV

Đi trên con đường bê tông nối buôn Tul với đồng lúa, Già Y Dhăk Niê Kđăm nhớ lại, trước đây, buôn Tul là một trong những buôn khó khăn nhất của xã Yang Mao, trước năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của buôn là trên 70%.

Nhưng nay mọi thứ đã thay đổi hẳn, bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đời sống được nâng cao rõ rệt.

Già Y Dhăk Niê Kđăm cho biết: Thay đổi thứ nhất là về hạ tầng cơ sở, có đường, có trường, có trạm, có điện. Đời sống nhân dân cũng được nâng lên, đồng bào biết suy nghĩ làm kinh tế, có ăn có để, có tái sản xuất. Nếu như trước kia ăn độn, ngày 2 bữa thì bây giờ là ăn no, mặc đẹp. Trong buôn, thôn có sự gắn bó, họ có sự đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ nhau trong khó khăn, nghèo đói, không bị tác động bên ngoài chi phối hay lợi dụng.

Cũng từng là vùng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông đang từng bước chuyển mình khởi sắc.

Năm 1965 khi mới giải phóng, xã Khuê Ngọc Điền chỉ có 163 hộ dân. Sau này, hơn 1.000 hộ dân từ Quảng Nam, Đà Nẵng di cư vào làm kinh tế mới. Từ những cánh rừng hoang, người dân đã khai hoang, phục hóa thành đồng ruộng, làm thủy lợi dẫn nước để trồng lúa.

Năm 2003, khi điện lưới quốc gia được kéo về tận các buôn làng, người dân dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng cơ giới hóa sản xuất. Đời sống dần thay đổi, từ mức bình quân lương thực đầu người chỉ đạt 80kg/người/năm vào năm 1986, đến nay đã đạt hơn 1.000kg/người/năm. Thu nhập bình quân đạt từ 16 triệu đồng/người vào năm 2015 đến nay đã tăng lên 25 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Văn Trương, Bí thư Đảng bộ xã Khuê Ngọc Điền cho biết, chính sự quan tâm đầu tư từ Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân đã góp phần vào sự đổi thay diện mạo nông thôn ở địa phương.Nhân dân tin tưởng cùng với Đảng với chính quyền, giữ gìn truyền thống cách mạng, phấn đấu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới.

Người dân địa phương đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất - Ảnh: VOV

Krông Bông hiện còn nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bà con dân tộc thiểu số di cư tự do đông, nhưng huyện sẽ nỗ lực phát huy truyền thống cách mạng, tranh thủ các nguồn lực để phát triển.

Mục tiêu mà Đảng bộ huyện đặt ra cho giai đoạn 2020-2025 là tăng trưởng kinh tế bình quân lên 11%/năm; giá trị sản xuất bình quân mỗi người sẽ đạt trên 95 triệu đồng trong 5 năm nữa; tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 9%.

Huyện tập trung xây dựng cơ sở vật chất, nhất là đường đi và hệ thống thủy lợi phục vụ người dân. Thứ hai là tập trung chỉ đạo sản xuất những vùng chuyên canh những diện tích phù hợp với điều kiện canh tác của đồng bào tại chỗ.

Huyện sẽ huấn luyện bằng hình thức trực tiếp cầm tay chỉ việc, đưa khoa học kỹ thuật và các giống mới xuống để nhân rộng các mô hình, tạo điều kiện để người dân vùng căn cứ cách mạng có điều kiện vươn lên trong cuộc sống bằng chính sức lực của họ và sự hỗ trợ của nhà nước.

Những con đường nội buôn đang được bê tông hóa ở Krông Bông - Ảnh: VOV

55 năm sau ngày giải phóng, bộ mặt nông thôn ở Krông Bông đang dần có những đổi thay khởi sắc. Vượt qua những gian khổ trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ngày nay người dân vùng căn cứ lại đồng lòng vượt khó để phát triển quê hương, tích cực xây dựng đời sống mới ngày càng vươn lên, giàu đẹp hơn./.

 

H Xíu/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC