Rừng vàng thực sự của Tây Nguyên
Thứ tư, 00:00, 12/08/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Cây dổi xanh, loài cây rừng quen thuộc, cho gỗ quý, hạt quý, đang trở thành cây kinh tế mạnh, thu hút người dân, tạo nên làn gió mới về trồng rừng ở khu vực Tây Nguyên.

 

Đứng cạnh cây dổi mới trồng được 2 năm nhưng đã cao đến 3,5m, hoa quả trĩu cành, chị Phạm Thị Nhạn, thôn Đồi Mây, xã biên giới Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông không giấu niềm phấn khởi. Quyết định “thay máu” cho vườn hồ tiêu của gia đình đã phát huy hiệu quả.

Cây dổi 3 năm tuổi đã trĩu quả - Ảnh: VOV.

Chị Nhạn cho biết, trong 3 loài cây thay thế hồ tiêu là  sầu riêng, đàn hương và dổi, thì cây dổi nổi trội hơn cả. Cây sinh trưởng rất nhanh, đều và chuẩn bị cho thu bói với khoảng 2-3kg quả tươi/cây, với giá 100.000đồng/kg quả tươi thì 200 cây dổi đã mang về khoảng 50 triệu đồng.

Cách nhà chị Nhạn 160 Km, ông Thào Seo Pao, dân tộc Mông, thôn 11, xã vùng sâu Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk cũng trồng 400 cây dổi trên diện tích 4ha đất đồi vào cuối năm 2019. Mới trồng 10 tháng, nhưng cây dổi đã đem lại cho ông rất nhiều hy vọng. Cây đã cao hơn 1m, nhiều cây bắt đầu ra hoa.

Ông Thào Seo Pao đặt nhiều hy vọng vào cây dổi trồng trên đất đồi thay cho keo lai - Ảnh: VOV

Ông Thào Seo Pao cho biết: Cây dổi ông trồng được 4-5 năm và cho thu nhập đều đều, không phải trồng lại nữa, tuổi thọ rất cao, có thể cả trăm năm. Hiệu quả kinh tế cũng cao hơn gấp mấy lần keo lai. Vì cây keo lai thì trồng cứ 4-5 năm phải khai thác và trồng lại, chi phí nhiều hơn mà lợi nhuận kém cây dổi.  

Giống dổi mà ông Thào Seo Pao ở xã vùng 3 Cư San và bà Phạm Thị Nhạn ở xã biên giới Đắk Wil trồng là giống dổi lai ghép, đều mua từ Công ty TNHH Thanh Dổi Xanh, thôn Cao Thắng, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột.

Giống dổi mới lai ghép từ cây ngọc lan với cây dổi rừng M'Đrắk - Ảnh: VOV

Chủ công ty, anh Hoàng Xuân Thanh cho biết, giống dổi xanh mà công ty đang cung cấp là giống mới, được chính anh lai ghép từ cây ngọc lan với cây dổi rừng ở huyện M’Đrắk, tỉnh Đăk Lăk.

Anh Hoàng Xuân Thanh bên vườn dổi 80 cây lai ghép đầu dòng do chính anh tạo ra, mỗi năm cung cấp hơn trăm nghìn cây giống - Ảnh: VOV.

Giống dổi mới sinh trưởng nhanh, 2-3năm đã thu bói, và năm thứ 5 thu hoạch ổn định với mức bình quân 20-30kg hạt/cây. Hiện vườn Dổi đầu dòng của anh Thanh có 80 cây, trồng từ năm 2008, mỗi năm riêng thu hạt đã mang lại khoản lợi nhuận trên dưới 2 tỷ đồng.

Cây dổi cho gỗ tốt, hạt quý, được xem là cây tạo rừng và cây giữ rừng - Ảnh: VOV.

Hiệu quả rõ rệt từ cây dổi giống mới còn mở ra cơ hội làm giàu cho Công ty Thanh Dổi Xanh, khi nhiều khách hàng từ Hòa Bình, Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương cũng tìm đến mua giống, sản lượng hơn trăm nghìn cây 1 năm.

Giống cây được công ty ký hợp đồng bảo hành, sau 5 năm, mỗi cây đạt 20kg quả tươi trở lên mới thu tiền cây giống. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, công ty còn đầu tư giống cho các nhóm hộ, hợp tác xã và cả các nông lâm trường trồng dổi.

Anh Hoàng Xuân Thanh cho biết, anh dốc hết tâm sức cho cây dổi là vì đây là cây rừng, và trồng rừng sẽ tạo ra tương lai cho Tây Nguyên: Khi gia đình từ Hòa Bình vào Tây Nguyên, ông cụ thân sinh ra mình nói rằng rừng đang bị tàn phá nặng nề, sau này ai trồng được rừng sẽ rất tốt. Mình mang tư tưởng trồng rừng từ hồi đó và bây giờ mình cố gắng triển khai mở rộng diện tích rừng càng lớn càng tốt. Nếu làm đúng cách thì còn quý hơn vàng.

Tăng trưởng rất nhanh, cho gỗ tốt, hạt quý, cây dổi đang được nông dân Tây Nguyên và nhiều tỉnh khác đặt niềm hy vọng.

Đối với xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, nơi mà cây dổi lai ghép được tạo ra, đã có nhiều vườn Dổi được đưa vào trồng xen tạo ra mô hình nông lâm kết hợp hiệu quả kinh tế cao.

Bà Hồ Thị Cẩm Lai, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Cây Dổi là cây lâm nghiệp rất dễ trồng, phát triển tốt ở tất cả các loại đất và tình hình sâu bệnh hại rất ít. Hiệu quả kinh tế từ cây Dổi đã thể hiện rõ rệt, vượt trội, khoảng hơn 100 cây/ha thì thu hoạch hơn 500 triệu đồng. Nhiều vườn dổi mới trồng 5-7năm, đã cho thu hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

ây Dổi bắt đầu làm thay đổi cách nhìn về trồng rừng, giúp khẳng định: Rừng là vàng theo đúng nghĩa - Ảnh: VOV.

Lâu nay, làm lâm nghiệp, trồng cây rừng thường được gắn với cái mác nghèo khó, vùng đất cằn cỗi mới trồng rừng. Muốn phát triển rừng trồng trong giai đoạn hiện nay, cần đồng thời đáp ứng cả yêu cầu về độ che phủ, nguồn thu hàng năm và giá trị gỗ khi kết thúc chu kỳ.

Cây Dổi đã giải quyết được tất cả và bắt đầu làm thay đổi cách nhìn về trồng rừng, giúp khẳng định: Rừng là vàng theo đúng nghĩa./.

 

Công Bắc/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC