An Hưng là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định, chủ yếu là đồng bào dân tộc H’re với 64% số hộ dân trong xã là hộ nghèo. Nghị định 28 của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã giúp bà con nơi đây có cơ hội thoát nghèo. Theo đó, chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp người dân được vay vốn phát triển kinh tế, làm nhà, sửa chữa nhà ở…
Chị Đinh Thị Thúy- một trong những hộ đầu tiên ở xã An Hưng, huyện An Lão vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để phát triển kinh tế, cho biết, có 3 chương trình vay vốn giành cho hộ nghèo, đó là 100 triệu đồng để trồng keo, thứ 2 là vay 20 triệu để làm nhà vệ sinh và chương trình thứ 3 là vay 40 triệu đồng để làm nhà ở.
Theo Nghị định 28 của Chính phủ, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi là 3%/năm, thời gian vay tối đa 15 năm. Bà con có thể vay tiền làm nhà ở, phát triển kinh tế, chuyển đổi nghề… Đến cuối năm nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Lão đã giải ngân 12 tỷ đồng cho gần 290 hộ vay.
Ông Đinh Văn Chê, Chủ tịch UBND xã An Hưng, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định cho biết: Trên địa bàn xã hộ nghèo nhiều và đều muốn xây dựng nhà ở nhưng không đủ tiền. Nghị định 28 cho vay vốn với lãi suất thấp 3%/năm với thời gian 15 năm mới trả nên nhân dân rất vui mừng, rất đồng tình. Một số hộ dân đã vay tiền đó cộng thêm số tiền dành dụm được hàng năm đến nay cũng xây được nhà khang trang.
Tỉnh Bình Định có 5 địa phương được hưởng gói vay theo Nghị định 28 của Chính phủ là An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và Tây Sơn. Đến tháng 11 năm nay, tỉnh có hơn 570 hộ dân được vay với tổng số tiền 26 tỷ đồng. Nhiều nhất là các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh và Hoài Ân. Nguồn tín dụng này không nhiều nhưng lãi suất rất ưu đãi, thời gian trả dài hơn giúp đồng bào có điều kiện xây nhà, chuyển đổi nghề từng bước ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Thảo Vy, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Bình Định chia sẻ, Hiện nay, nguồn vốn này đáp ứng kịp thời cho nhu cầu về xây dựng nhà ở đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà hoặc nhà ở chưa đạt tiêu chuẩn. Còn cho vay chuyển đổi nghề thì những trường hợp thiếu đất sản xuất cũng được hỗ trợ kịp thời để cho bà con chuyển đổi ngành nghề phù hợp với đặc thù từng địa phương./.
Viết bình luận