Ấm áp nụ cười Chơ ro
Thứ hai, 00:00, 05/02/2018
VOV4.VN - Bà con Chơ-ro ở đây luôn luôn nở nụ cười vui vẻ và gần gũi mỗi khi có khách. Đây là cảm nhận chung của những ai có dịp ghé thăm Tân Thuận- ấp dân tộc Chơ-ro duy nhất của huyện Đất Đỏ.

 

Anh Lý Văn Dương giải thích: đó là mấy năm nay, thu nhập từ kinh tế vườn, từ chăn nuôi của bà con  ổn định và ngày càng khấm khá  khiến đời sống của bà con được cải thiện; điện lưới và nước sạch đã được đưa đến từng nhà cho bà con sử dụng hàng ngày. Bà con ưng cái bụng lắm, không vui, không cười sao được?

Bản thân anh Dương, đứa con út trong đàn con của anh đã tốt nghiệp đại học, vậy là cả 7 đứa con đều được học hành và có bằng cấp, tấm thẻ để các cháu vào đời. Rồi con dâu anh cùng một số con cháu người Chơ-ro trong ấp được nhận vào làm công nhân ở công ty Dong-in ngay tại xã. Anh khoe đàn lợn 50 con và gần 1 ha đất vườn cây trái đang phát triển tốt, hứa hẹn một cái tết  sum họp gia đình khấm khá.

Ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu,n là nơi cư ngụ của 136 hộ bà con người dân tộc Chơ-ro. Nơi đây xưa kia là vùng đồi rừng, người Chơ-ro sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, cuộc sống nghèo nàn và không ổn định. Những năm gần đây, người Chơ-ro đã chuyển sang định canh, định cư, phát triển nghề trồng trọt và chăn nuôi.
Ngoài kinh tế nông nghiệp, bà con làm quen với các loại hình dịch vụ khác để tăng thu nhập. Gia đình bà  Lý Thị Hương vừa lo chăm sóc  vườn hồ tiêu, vườn điều, vừa mở cửa hàng bán tạp hóa. Mấy năm nay, gia đình bà  có nguồn thu nhập ổn định khoảng gần trăm triệu đồng/năm. Con cái cháu chắt sống chung với bà dưới mái nhà xây khang trang, lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười của bọn trẻ.

"Năm nay có chương trình nông thôn mới, bà con vui vẻ vì có điện, nước. Trước đây đồng bào không có vốn, nay nhờ chính quyền giúp đỡ vay vốn. Vốn theo Ngân hàng Chính sách xã hội có 28 triệu đồng. Nếu được  vay thêm nữa thì tôi sẽ đầu tư thêm vào sản xuất , chăn nuôi và mở rộng cửa hàng" - bà Hương nói.

Vốn là vùng đồi rừng, đất đai ở Tân Thuận hầu hết là đất  ba–zan màu mỡ, thích hợp với cây ăn trái, cây công nghiệp. Nhiều năm nay,  bà con đã tận dụng thế mạnh đất đai để tích cực phát triển loại hình kinh tế vườn – chuồng. Ngành nông nghiệp địa phương tố chức tập huấn cho bà con về kĩ thuật nông nghiệp, hỗ trợ bà con tham gia các dự án về  chăn nuôi bò, dê, dự án chuyên canh mãng cầu, hồ tiêu, hạt điều.

Một vùng đất rừng thưa đồi trọc thưở trước nay đã trở thành ấp nông thôn mới Tân Thuận trù phú. Giữa bạt ngàn vười hồ tiêu, vườn cà phê, điều, cao su, chuối xanh mát mắt là các căn nhà xây cất khang trang.  Toàn bộ các trục đường trong ấp đều được trải nhựa, đi lại thuận tiện. Huyện xây dựng cho bà con Nhà sinh hoạt  đồng, giúp bà con có nơi tổ chức lễ hội nhân dịp lễ, tết cổ truyền.  Việc bảo tồn ngôn ngữ Chơ-ro cũng được địa phương quan tâm.

Anh Nguyễn Ngọc Quân, Trưởng ấp Tân Thuận, cho biết : “Địa phương đã có kế hoạch phục hồi bản sắc văn hóa dân tộc Chơ-ro, đặc biệt là tiếng nói. Chúng tôi mời các già làng dạy lại cho con em để duy trì tiếng nói, còn chữ viết thì người Chơ-ro không có. Trường nội trú dân tộc ở đây đang phục hồi lại nguyên âm và phiên âm ra để có chương trình giảng dạy cho các em các cháu sau này, giữ gìn được tiếng nói”.

Thu nhập bình quân của bà con trên 44 triệu đồng/người/năm. Từ nay đến năm 2020, Chương trình Nông thôn mới  sẽ hỗ trợ bà con Chơ Ro tập trung thâm canh tăng vụ, phát huy hiệu  quả của các mô hình kinh tế, phấn đấu nâng thu nhập bình quân lên 49 triệu đồng/ năm, sánh ngang với mức thu nhập của bà con các vùng khá trong huyện.

Đường vào ấp Tân Thuận

Đàn bò của bà con Chơ-ro

Nụ cười Chơ-ro

Nhà  sinh hoạt dân tộc Chơ-ro

Anh Lý Văn Dương đánh chiêng tại Nhà sinh hoạt dân tộc

 

 

 

 

Hồng Hải/VOV-TPHCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC