Đổi thay trên mảnh đất Mường Pồn anh hùng
Thứ sáu, 00:00, 01/09/2017
VOV4.VN - Cách thành phố Điện Biên Phủ 20km về phía Bắc, bản Mường Pồn, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, là địa danh ghi dấu ấn sâu đậm về tinh thần chiến đấu bất diệt của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Mường Pồn giờ là những bản làng trù phú, ấm no.

 

Bà Vì Thị Cáu, 73 tuổi, ở bản Mường Pồn 1, miệt mài bên chiếc máy tẽ ngô. Năm nay được mùa, những túm ngô tròn lẳn treo kín các xà nhà, gác bếp và xếp đầy trên lan can của căn nhà mới. Những đứa trẻ quây quần bên bếp lửa ngóng chõ xôi và giúp bà nhặt những hạt ngô vàng ươm vương vãi ra. Đối với bà Cáu, cuộc sống của bản làng giờ đây yên bình, ấm no lắm.

Anh Lò Văn Tiến, phó bản Mường Pồn 1, cho biết: "Đời sống của bà con trước cũng khổ nhiều, toàn nhà tranh vách đất. Bây giờ nhà nào cũng có nhà ngói khang trang để ở. Con cháu trong bản được đi học đầy đủ, được hưởng các chính sách về y tế".

Năm 1962, di tích Mường Pồn thuộc quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. Từ đó tiến hành tôn tạo, quản lý và phát huy các giá trị lịch sử trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Anh Bùi Hữu Vương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Mường Pồn, cho biết: "Chúng tôi rất chú trọng đến việc giáo dục tinh thần cách mạng, yêu quê hương đất nước cho các em. Thông qua các chương trình, bài học, thông qua những chủ đề tích hợp, rồi các hoạt động ngoại khóa thì chúng tôi lồng ghép để giáo dục các em".

Mường Pồn được đầu tư khá đồng bộ về hạ tầng cơ sở, phục vụ nâng cao đời sống và sản xuất cho người dân. Những ngôi nhà sàn ngói đỏ mọc lên san sát, thay thế những ngôi nhà tạm, tranh tre nứa lá. Toàn xã có 12 thôn, bản với tổng số hơn 1.000 hộ dân và khoảng 4.800 nhân khẩu sinh sống, đến nay còn khoảng 39% là hộ nghèo.

Do nằm trên tuyến đường Quốc lộ 12, nên xã có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc thông thương, giao lưu buôn bán. Hiện các thôn, bản đều đã có đường liên thôn, liên bản thông suốt. Tổng sản lượng lương thực trong năm 2016 đạt gần 2.500 tấn.

Xã tập trung hướng dẫn nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, thủy sản, cây công nghiệp. Mục tiêu trong năm nay, xã phấn đấu sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 433kg/năm; tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm vượt chỉ tiêu của huyện giao, với tổng thu ngân sách ước thực hiện hơn 5 tỷ đồng.

Ông Lù Văn Mấng, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, cho biết: "Thay đổi nhất là người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sắp tới đây cây cao su sẽ cho thu hoạch mủ nên sẽ có nhiều hy vọng thoát nghèo, ổn định kinh tế cho người dân".

“Đất nước quê anh, lá thắm rừng xanh, cam Mường Pồn quanh mộ anh sây đỏ, lúa chín vàng trận địa cũ Mường Thanh…”, bài hát “Bế Văn Đàn sống mãi” của nhạc sỹ Huy Du đã đi vào lòng người khắc nhớ một tấm gương hy sinh anh dũng nơi mảnh đất Mường Pồn.

Diện mạo mới của bản làng Mường Pồn anh hùng hôm nay

Trong tâm trí của nhiều người già, giờ đây cuộc sống yên bình, ấm no lắm

Cây cao su đang dần trở thành thế mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương

Tập trung đầu tư cho giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng đang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu

Bức tranh "No ấm Mường Pồn" đã thực sự hiện hữu

 


 

 

 

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC