Hà Giang: xây dựng nông thôn mới là làm cho đời sống người dân được nâng cao
Thứ năm, 00:00, 04/01/2018
VOV4.VN - Hà Giang có 20/177 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Giang giảm xuống còn khoảng 34%. Đến xã Đông Hà vào một sớm mùa đông lạnh giá, trái ngược với cái lạnh là không khí rộn ràng. Người dân đang tập trung đập đá, san nền để làm đường giao thông. Ai nấy đều rất phấn khởi khi chương trình nông thôn mới đã giúp họ xóa được đói nghèo, đem lại sự no ấm.

 

Xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, là một xã vùng cao núi đá, có 10 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào Mông chiếm tới một nửa. Xuất phát điểm khi xã Đông Hà bắt tay vào xây dựng nông thôn mới rất thấp, có 42 hộ nghèo, 272 hộ cận nghèo, chiếm tới gần 50% tổng số hộ trong xã. Hầu hết thu nhập của các hộ dân ở xã Đông Hà nhờ vào sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp.

Bà con xã Đông Hà góp công làm đường liên thôn bản

Đến xã Đông Hà vào một sớm mùa đông lạnh giá, nhưng trái ngược với cái lạnh là không khí rộn ràng. Người dân đang tập trung đập đá, san nền để làm đường giao thông. Ai nấy đều rất phấn khởi khi chương trình nông thôn mới đã giúp họ xóa được đói nghèo, đem lại sự no ấm.

Anh Giàng Mí Xay, ở thôn Thống Nhất, cho hay: Huy động làm đường, dân tham gia rất đông, làm đường sẽ giúp người dân thuận tiện thu hoạch ngô. Mình thấy nên làm như thế này, lâu lâu dân cùng làm gặp nhau cũng vui.

Sau bảy năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Đông Hà đã về đích. Được sự hỗ trợ của nhà nước về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, canh tác và sự nỗ lực vươn lên của từng hộ dân nên các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế tại xã Đông Hà ngày càng được nhân rộng. Nhiều mô hình sản xuất điển hình như: Giống lúa 5 cùng (cùng giống, cùng thời vụ, cùng chăm sóc, cùng phòng trừ sâu bệnh, cùng thu hoạch), mô hình ngô lai, mô hình cho vay vốn đầu tư có thu hồi.vv..

Qua những buổi góp công này tình cảm bà con xóm giềng ngày một gắn bó

Ông Nguyễn Hữu Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Đông Hà, cho biết: Xây dựng nông thôn mới ở Đông Hà, cái khó nhất là làm sao thay đổi được tập quán làm ăn canh tác. Nay có gần 100% hộ dân đã thâm canh lúa, ngô áp dụng theo quy trình kỹ thuật. Bà con vùng cao chủ yếu là hiến đất, bỏ công sức để thực hiện các công trình, rất khó khăn huy động kinh phí chỉ chủ yếu là đóng góp ngày công.Tiêu chí về văn hóa cũng là khó khăn đối với một xã vùng cao.

Theo chị Bùi Thị Vấn, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đông Hà, trước kia môi trường không đảm bảo. Xây dựng nông thôn mới, được hỗ trợ xi măng làm nhà vệ sinh, đường nên môi trường tốt hơn, ý thức bà con nâng cao: "Chúng tôi cũng có mô hình thu gom rác thải các hộ tham gia đầy đủ. Chúng tôi có mô hình nhà sạch, vật đẹp, 5 không, 3 cùng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới".

Văn phòng một cửa ở xã Đông Hà khang trang

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Giang, cho biết, so với các tiêu chí quy định thì ở Hà Giang còn “non” so với các xã vùng xuôi vì điều kiện đặc biệt khó khăn, ngân sách còn hạn hẹp.

"Xét cho cùng, xây dựng nông thôn mới chính là làm cho cuộc sống người dân được nâng cao. Làm gì thì làm, nếu chỉ là hình thức thì rất nguy hiểm. Tiêu chí thu nhập của người nông dân là quan trọng nhất".

Đến thời điểm hiện tại, Hà Giang mới chỉ có hơn 10% số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Cái được lớn nhất khi xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang đó là chuyển biến, thay đổi nhận thức về tập quán làm ăn, du canh, du cư của đồng bào các dân tộc vùng cao, hướng tới mô hình sản xuất ổn định, tập trung, có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc, nếp sinh hoạt vui tươi, lành mạnh.

 

 

 

 

 

Mạnh Phương/VOV-Trung tâm Tin

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC