Cứ đến rằm tháng 7 hàng năm, người Cao Lan ở Yên Thế, Bắc Giang lại làm bánh vắt vai. Theo cụ ông Trần Văn Ngọ bản Thượng Đồng xã Xuân Lương thì hiểu đơn giản, bánh vắt vai là bánh vắt được qua vai, bởi có hai đồng bánh được nặn tròn gói trong lá chuối, khi bóc ra chúng có thể ngả về hai phía, hình dung có thể vắt được qua vai. Vào những ngày này, ngoài bánh vắt vai, con cháu cũng phải chuẩn bị đồ lễ trong đó không thể thiếu quần áo giấy để hóa cho ông bà, tổ tiên.
Ông Ninh Quảng Nghiệp, xã Xuân Lương cho biết, cứ đến dịp rằm tháng 7 là người Cao Lan sẽ làm bánh vắt vai với những ý nghĩa cao đẹp. Bên ngoài là lá chuối rừng, bánh kẹp hai múi có thể vắt được qua vai. Dâng bánh để nhớ ơn nuôi dưỡng sinh thành của ông bà cha mẹ.
Người Cao Lan ăn rằm tháng 7 không thể thiếu bánh vắt vai, cũng như người Tày không thể thiếu vịt, do vậy, họ luôn chuẩn bị những nguyên vật liệu ngon nhất, tốt nhất để làm bánh.
Nguyên liệu để làm cho bánh vắt vai được ngon, đẹp mắt nằm ở khâu chọn gạo và tìm lá. Theo kinh nghiệm của bà Ninh Thị Then ở xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang thì gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng, hạt tròn và mẩy, và nhất định không để lẫn với gạo tẻ hoặc những hạt vỡ, hạt vụn. Nhưng muốn bánh trở nên thơm ngon thì không thể thiếu một trong hai thứ lá, đó là lá mơ hoặc lá ngải cứu. Những lá này được đem phơi rồi giã cùng với bột
Dâng bánh vắt vai để tưởng nhớ công lao cha mẹ. Ảnh KT
Gạo sau khi đã ngâm nước ấm khoảng 2 đến 3 tiếng thì sẽ được đem ra xay bằng cối đá. Ngải cứu nếu làm tươi thì người ta sẽ đem luộc với nước vôi trong để không còn vị chát và đắng rồi cũng xay nhỏ trộn vào bột nếp.
Bánh vắt vai không thể thiếu vị ngọt, cho nên đường hoặc mật mía là thành phần không thể thiếu. Theo ông Ninh Quảng Nghiệp, bánh vắt vai làm bằng mật mía thì sẽ ngon hơn, bởi nó sẽ có vị thanh mát và dễ chịu hơn so với đường cát
Bánh vắt vai sau khi được trộn với mật mía, được vê tròn và nhồi nhân lạc hoặc đỗ, sau đó được gói bằng lá chuối rừng. Lá chuối rừng có độ dai, không rách khi luộc, xanh bánh và thơm mát và hơn cả nó sẽ giữ cho bánh có thời gian bảo quản lâu hơn. Chẳng thế mà từ xa xưa, người Cao Lan đã dùng lá chuối rừng để bảo quản thịt lợn ăn quanh năm.
Trong kinh nghiệm làm bánh vắt vai, ngoài việc chọn nguyên liệu, thì khi đồ bánh cũng đòi hỏi người làm bánh cần chú ý tới nhiệt độ và cách chế nước. Điều đáng nói ở đây, người Cao Lan không bao giờ cho nước ngập bánh để luộc mà sẽ để bánh chín bằng hơi.
Bánh vắt vai ngon phải dùng nếp cái hoa vàng. Ảnh KT
Những chiếc bánh vắt vai xanh ngắt màu lá chuối rừng được treo lên chiếc sào được đặt gần bàn thờ tổ tiên. Lúc này, gia chủ sẽ dâng bánh cúng tiến tổ tiên. Những chiếc bánh tròn, xanh màu lá chuối, có vị mát của lá ngải, thơm của gạo nếp cái. Nhưng hơn hết, bánh vắt vai là tấm lòng thành của con cháu hướng về tổ tiên, những người đã dưỡng dục, chăm sóc con cháu thành người. Bánh sau khi dâng cúng, được chia cho từng thành viên trong gia đình cùng thưởng thức trong không khí gia đình ấm cúng.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận