Mỗi vùng có kiểu nhà trình tường khác nhau
Nhà trình tường của người Tày ở Lạng Sơn có hai loại: nhà 1 tầng thường có ba gian, hai chái. Một bên làm kho, một bên làm bếp, gian giữa là nơi thờ tự. Phía sau bàn thờ là nơi ở cho người già. Phía trước hiên nhà có sàn phơi ngô, khoai, thóc…
Những nếp nhà trình tường đẹp như tranh. Ảnh: Lưu Minh Dân/mytour.vn
Loại thứ hai là nhà 2 tầng, thường bà con gọi là nhà pháo đài vì có nhiều gian. Hiên đằng trước xây thành một hành lang phòng thủ, chung quanh tường nhà và cửa sổ có lỗ châu mai. Xưa giặc giã và thú dữ nhiều, loại nhà pháo đài này đã bảo vệ bà con vượt qua những tình thế khẩn cấp.
Chị Nông Thị Hảo, người Tày ở thôn Co Măn, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết, ngôi nhà pháo đài nhà chị đã ngót nghét gần trăm năm. Ở trên có sàn gác và các vật phẩm nông nghiệp khi mà thu hoạch được thường gác hết lên cái sàn đó. Mỗi vùng có kiểu nhà trình tường khác nhau. Như xã Yên Khoái, Lục Bình thì làm 2 tầng. Ở xã Hải Yến, Cao Lâu, hay xã Mai Pha thì làm nhà 2 tầng. Thường là một dãy nhà san sát, mỗi nhà cách nhau khoảng 20 – 30 phân. Ở giữa có một cái rãnh, cái rãnh đấy là để thoát nước từ trên triền đồi xuống.
Theo nhiều người Tày thì do điều kiện tự nhiên mà mỗi vùng có các loại nhà trình tường khác nhau. Ví dụ, xã Yên Khoái, huyện Lục Bình là một vùng giáp biên, có nhiều thú dữ nên nhà trình tường được làm hai tầng và được gọi là nhà phòng thủ.
Họ lý giải: Khi giặc đến hoặc thú dữ xuống thì bà con dồn lên trên tầng hai. Và ở trên tầng hai có những cái lỗ châu mai, từ trong đấy họ có thể bắn súng kíp hoặc sử dụng vũ khí đối với kẻ thù và thú dữ ở bên ngoài. Phía ngoài những làng trình tường như thế thường có những tường bằng đá xếp lên, có những nơi gọi hoa mỹ là thạch khuyên thô. Điều đặc biệt là ngôi nhà trình tường của người Tày thường chỉ có 1 cửa. Đây chính là yếu tố phòng thủ của ngôi nhà.
Thường nhà người Tày chỉ có một cửa ra. Nhưng bây giờ một số khu vẫn còn là một dãy nhà liên nhau và có cửa thông sang nhau, nghĩa là chỉ có một cửa ra vào, nhưng thông sang nhau. Nếu có biến thì từ nhà đầu thôn này có thể chạy thông sang nhà cuối thôn và thoát ra ngoài. Đấy là lý do gọi là làng phòng thủ.
Bản làng của người Tày với những ngôi nhà trình tường nép mình bình yên - Ảnh: Tuan Nguyen/mytour.vn
Trình tường bằng đất và… đường mật mía
Người Tày thường làm nhà hướng nam để đón gió mát. Để tránh nguy cơ sạt lở đất, bà con không bao giờ dựng nhà nơi triền dốc. Thường ở nơi lưng chừng núi, vùng đất thoai thoải có suối, có ruộng sẽ là nơi người Tày lập bản, làm nhà.
Để đối phó với ẩm mốc, người Tày có cách thiết kế đặc trưng cho ngôi nhà cũng như đồ đạc sử dụng. Mọi thứ trong nhà đều làm chân cao, từ cái ghế, cái bàn đến cái giường. Bàn thờ cũng phải làm cao. Phía trên xà nhà sẽ có sàn phơi. Thóc, lúa, ngô… tức là tất cả những vật phẩm có thể đặt lên để tránh ẩm mốc. Và ở trên nóc nhà bà con sẽ thiết kế những ô thoáng. Mùa hè rất mát, chẳng mấy khi phải dùng quạt.
Sau khi chọn được đất làm nhà, người ta sẽ đào móng, trình tường. PGS.TS Lâm Bá Nam, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG HN cho biết, loại đất dùng để trình thường là đất đỏ pha đất sét. Trộn nước với đất rồi cho trâu quần nát nhuyễn kết hợp với sức người nhào nặn là có thể dùng để trình tường.
Một nhà trình tường bình thường có tường dày độ 60 phân. Người Tày sử dụng loại đất sét ở địa phương lèn, đầm thật chặt, rồi dùng các loại ván ép dựng lênvà sau đó đem ép. Khi nó khô thì cứng lại và không bị bào mòn khi gặp trời mưa. Tường cao khoảng 4 - 5m, giúp căn nhà trở nên ấm áp. Mặt tường bên trong và bên ngoài đều được mài nhẵn mịn.
Để có được những bức tường chắc chắn, bí quyết của người Tày là dùng đường mật mía để làm nhà. Làm ngôi nhà đất, nguyên bản như ngày xưa thì bà con trộn bùn, rơm, và có cả đường mía tạo sự gắn kết. Bà con lấy bùn ở dưới ruộng lên, trộn rơm vào và đổ đường mía vào bắt đầu mới lấy trâu quần, cứ đi vòng tròn ở sân, quần cho nó nhuyễn ra thì mới đưa lên khuôn. Để làm nhà trình tường thì không thể cho vật liệu khác vào được vì hoàn toàn nó kết dính bằng đất, gia đình nào có điều kiện thì cho thêm cái mật của mía thì cho vào thì độ bền của tường nó rất là cao”.
Lạng Sơn là một tỉnh vùng đông bắc Việt Nam. Đây là vùng đất mang tính điển hình của khí hậu nhiệt đới gió mùa của miền bắc nước ta. Nhiệt độ trung bình từ 17 – 22 độ C, tháng lạnh nhất có thể giảm xuống 5 độ C, thậm chí là dưới 0 độ C. Nhà trình tường chính là cách thích nghi tuyệt vời của bà con người Tày với khí hậu của mảnh đất miền biên viễn.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận