Về xứ Mường ăn bánh Uôi
Thứ hai, 00:00, 09/03/2020 Việt Phú BT CT Việt Phú BT CT
VOV4.VN - Về với xứ Mường chúng ta đã quá quen thuộc với món ăn từ lợn, từ những mâm cỗ lá hấp dẫn và cách sắp xếp đầy tinh tế của bà con nơi đây. Nhưng có một món ăn nữa hẳn nhiều du khách đến với Hòa Bình đều biết tới. Đó là món bánh Uôi, thứ bánh dân dã nhưng nhưng mang đậm nét truyền thống của cư dân lúa nước nơi xứ Mường

Các cụ cao niên kể rằng, món bánh uôi truyền thống này có từ rất xa xưa, có thể hàng nghìn năm trước. Truyền thuyết kể rằng Tổ mẫu Âu Cơ sau khi chia tay Lạc Long Quân để đưa các con về Mường trời, trong hành trang mang theo là một loại bánh nếp. Trên mặt bánh được rắc vừng và lạc, những nguyên liệu gắn liền với đời sống nông nghiệp. Từ đó người dân nhớ công ơn và cội nguồn, còn đặt tên là bánh Tổ, sau này theo tiếng Việt cổ được gọi là bánh Uôi.

Đặc biệt, trong dịp Tết nguyên đán thì bánh uôi sau khi dâng cúng tổ tiên thì con cháu mới được thụ lộc. Điều đặc biệt là bánh này còn được chia cho gia súc hay nông cụ sản xuất.Người Mường mượn cặp bánh uôi để tỏ lòng biết ơn đến những công cụ, những con vật nuôi  đã một năm vất vả với người nông dân làm ra những mùa vụ tốt tươi để làm ra được những chiếc bánh dẻo thơm như thế.

Bánh Uôi có nhiều tên gọi như bánh tình yêu hay bánh hạnh phúc. Ảnh KT

Để làm được cặp bánh uôi ngon, đòi hỏi người làm phải có những kinh nghiệm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu như gạo, lá, vừng hay lạc. Gạo nếp là thành phần chính quyết định đến chất lượng của bánh. Người Mường thường chọn gạo nếp ngon, hạt mẩy, thơm khi xay ra bột thì phải dẻo để làm. Ngày xưa khi vào ngày giáp hạt không có gạo nếp thì người Mường phải dùng sắn để thay thế.

Ngoài việc chọn gạo thì chọn lá cũng là một yếu tố không thể thiếu để quyết định đến độ ngon của cặp bánh. Ở xứ Mường thì tùy vào từng vùng mà lá gói cũng có sự khác nhau. Ông Bùi Văn Nhinh ở xã Nhân Nghĩa cho biết: để bánh đạt được mùi thơm đặc trưng thì lá bương là tốt nhất. Nhưng phải là lá bánh tẻ, to bằng bàn tay gói bánh là chuẩn nhất.

Khi chọn được gạo và lá thì vừng và lạc cũng được lựa chọn một cách cẩn thận. Gạo sau khi được xay hoặc giã được trộn thêm một ít muối trắng để cho món ăn đậm đà hơn, không nhão quá nếu không bánh khi đồ sẽ bị nát. Bánh được cuộn tròn vào hai đầu lá thành một cặp đều nhau. Chính vì lẽ đó mà nhiều nơi ở xứ Mường này nó còn có tên là bánh tình yêu hay bánh hạnh phúc

Bánh Uôi có vị thơm của lạc, vừng và  có thể chấm với mật . Ảnh KT

 Bánh sau khi đồ được vớt ra để khô, khi bóc bánh ra bánh không trắng màu bột gạo mà chín đều. Hương nếp hòa cùng mùi thơm của lạc, vừng càng làm hấp dẫn các thực khách. Tùy vào khẩu vị của từng người mà ăn với đường hoặc ăn kèm với các loại gia vị khác nhau.

Nếu có dịp đến với vùng người Mường ở Hòa Bình, quý vị và các bạn đừng quên thưởng thức món bánh uôi dân dã, để thấy được tấm lòng, tình cảm của những người con đất Mường đã gửi gắm vào cặp bánh dẻo thơm.

Bánh uôi - một món ăn đã đi vào tiềm thức của biết bao nhiêu thế hệ người Mường, để những ai đi xa đều không thể quên hương vị quê hương ấm áp tỏa hương thơm ngát qua những cặp bánh xanh mềm.

 

Việt Phú BT CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC