Sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, thị trường tiêu dùng ở Yên Bái bắt đầu sôi động trở lại. Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu… thâm nhập thị trường nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng.
Nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì người dân, đặc biệt là người dân vùng cao, miền núi rất khó phân biệt được chất lượng hàng hóa.
Ông Nguyễn Trọng Thắng, người dân xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, cho biết, chắc chắn hàng hóa trôi nổi, tức là hàng giả hay gia công đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Người tiêu dùng mong muốn lực lượng quản lý thị trường và ngành chức năng phải làm rõ ràng, giới thiệu cho người dân biết chứ như chúng tôi mua thì không thể phát hiện được vì chúng quá giống nhau.
Thực tế hiện nay, bên cạnh các loại hàng hóa có thương hiệu, đạt chất lượng thì vẫn còn tiềm ẩn những hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… Những loại hàng này thường có giá rẻ, trà trộn để bán lẫn với những mặt hàng tốt nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, bảo vệ người tiêu dùng chính là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương và Hội Bảo vệ người tiêu dùng:
Ông Trịnh Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Yên Bái khẳng định: Hội Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tích cực tuyên truyền về hàng thật, hàng giả giúp người dân phân biệt được, qua đó tránh mua phải hàng giả. Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục. Sở Công thương cũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp để tuyên truyền trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Sở Công thương cùng với Cục Quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo hàng hóa có chất lượng lưu thông trên thị trường.
Lực lượng chức năng hướng dẫn nhân dân phân biệt hàng giả, hàng thật.
Hiện nay, thông qua các Hội chợ thương mại và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các ngành chức năng ở Yên Bái đã trưng bầy, giới thiệu cho người tiêu dùng nhận biết những mặt hàng thường xuyên bị làm giả, thường được bày bán ở những hàng quán, chợ phiên vùng nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên cho biết: Chỉ sau khi được lực lượng chức năng giới thiệu, vợ chồng bà mới nhận ra những mặt hàng bị làm giả
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng đã phát hiện và xử lý 265 vụ vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu và gian lận thương mại; số tiền xử phạt phạt hành chính là trên 660 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của thực trạng sản xuất, lưu thông, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Chính vì thế việc tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào vùng cao, miền núi những kiến thức và cách phân biệt các loại hàng hóa, chủ động đấu tranh với "gian thương" cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới./.
Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc
Viết bình luận