Đầu năm 2018, gia đình anh Phạm Đức Tình ở xã Tà Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đầu tư hơn 2 tỷ đồng để nuôi 20 lồng cá tại lòng hồ thủy điện Huội Quảng - Bản Chát. Nếu cộng thêm chi phí thức ăn và công chăm sóc... số đầu tư ban đầu đã lên đến 3 tỷ đồng.
Thế nhưng, thời điểm hiện tại, cá đã qua kỳ thu hoạch 3 đến 4 tháng, gia đình cũng đã liên hệ bán nhiều lần, nhưng không thấy thương lái đến mua. Gia đình anh hiện đang tồn khoảng 60 tấn cá thành phẩm; Trong số này có khoảng 20 tấn cá lăng đen, 30 tấn cá rô phi đơn tính và 10 tấn cá chạch chấu.
Riêng cá Lăng hiện đã đạt trọng lượng từ 4 đến 5kg mỗi con, nên phát triển chậm. Dù không bán được cá, nhưng gia đình vẫn phải tiếp tục đầu tư chi phí vào thức ăn, công chăm sóc... nên phải chịu thua lỗ khoảng 30% chi phí cám hàng ngày
Anh Phạm Đức Tình chia sẻ: Đến năm 2019 - 2020 gia đình phải bán lẻ, không xuất được đi như trước. Chi phí thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao, trung bình 1 ngày gia đình phải chi phí khoảng 15 triệu đồng để duy trì các lồng nuôi, mà lượng cá xuất ra lại không đáng kể. Gia đình rất muốn được nhà nước hỗ trợ kết nối giao thương để bán, xuất được cá đầu ra cho gia đình và bà con.
Người nuôi cá lồng ở Lai Châu mong muốn có những chính sách hỗ trợ của nhà nước để phát triển nghề lâu dài.
Từ năm 2018 đến nay, người dân xã Tà Mít, huyện Tân Uyên (Lai Châu) cũng đã đầu tư gần 130 lồng nuôi cá, với tổng sản lượng cá lăng, rô phi đơn tính, trắm cỏ, chạch chấu... mỗi năm lên tới hơn 100 tấn.
Trước đây, cá nuôi của bà con được các thương lái từ nhiều tỉnh như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội... tìm về thu mua. Ngoài bán cho các thương lái, thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận cũng khá sôi động, khi các nhà hàng thường xuyên có đơn hàng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là từ đầu năm đến nay, các nhà hàng phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, nên chính quyền địa phương đang phải liên hệ với cơ quan chức năng để hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm cá lồng
Ông Chảo A Nhình, Chủ tịch UBND xã Tà Mít, huyện Tân Uyên cho biết: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bà con trên địa bàn xã nuôi cá gặp rất nhiều khó khăn; nhiều lồng cá đã quá lứa tới 6 đến 7 tháng mà vẫn chưa bán được. Xã đã vận động các hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn mua giúp cho bà con nhân dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa tiêu thụ hết được.
Để hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm cá lồng, Sở Công thương và Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã có nhiều văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố phát động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cá cho người chăn nuôi. Theo đó, Trung tâm hỗ trợ nông dân (trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Lai Châu) đã đứng ra nhận đơn và có nhiệm vụ vận chuyển cá đến các điểm bán hàng cho bà con.
Sở Công thương tỉnh Lai Châu đã có văn bản gửi Vụ thị trường trong nước, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong cả nước để hỗ trợ xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương, trong đó có sản phẩm cá lồng nuôi tại Lai Châu.
Ông Trần Văn Sứng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lai Châu cho biết: Sở Công thương cũng phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động cán bộ trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ, giúp tháo gỡ khó khăn cho bà con. Chúng tôi cũng cùng với các huyện động viên người chăn nuôi chuyển một phần sản lượng cho thu hoạch, chế biến thành những sản phẩm thuận lợi cho việc bảo quản cũng như việc tiêu thụ; đồng thời, phối hợp với ngành Nông nghiệp và chính quyền các huyện rà soát và định hướng cho các cơ sở nuôi, căn cứ vào thị trường để có định hướng nuôi và có sản phẩm phù hợp để thuận lợi cho tiêu thụ.
Với giá bán lẻ, bán buôn từ 70 nghìn đến 90 nghìn đồng/1kg cá trắm cỏ và cá lăng đen; chạch chấu khoảng 250 nghìn đồng/1kg... các điểm mua bán cá tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu những ngày này khá tấp nập người mua bán.
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, mà đến trung tuần tháng 10 này, người nuôi cá trong toàn tỉnh đã tiêu thụ được khoảng 2/3 số cá tồn đọng trong thời gian qua. Kết quả này không chỉ giúp các hộ chăn nuôi vượt qua khó khăn trong đại dịch, mà còn có thể sẵn sàng tái sản xuất trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19./.
Nguyễn Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
Viết bình luận