Lạng Sơn: Tháo gỡ nút thắt đầu ra cho sản phẩm OCOP
Thứ sáu, 10:04, 22/10/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Tập trung chuẩn hóa sản phẩm mới, nâng hạng những sản phẩm đã được công nhận, chương trình OCOP đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị nhiều mặt hàng nông sản của Lạng Sơn, tăng thu nhập cho người nông dân

 

Đều đặn hàng ngày, cửa hàng vịt quay Hồng Xiêm ở thành phố Lạng Sơn nổi lửa từ tờ mờ sáng. Những ngày trời trở lạnh, lượng khách đến mua vịt càng nhiều hơn. Không chỉ khách trong tỉnh, cơ sở này còn tất bật với các đơn hàng số lượng lớn gửi về Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. 

Nối tiếp bí kíp gia truyền hơn 80 năm, Chủ cơ sở vịt quay Hồng Xiêm, Nguyễn Thị Hồng Xiêm đã đăng kí thương hiệu sản phẩm và đạt chứng nhận OCOP 4 sao, được góp mặt tại nhiều hội chợ thương mại lớn trên toàn quốc, qua đó góp phần quảng bá sản phẩm vịt quay gia truyền của cơ sở nói riêng, đặc sản Lạng Sơn nói chung đến mọi miền Tổ quốc.

Chị Nguyễn Thị Hồng Xiêm cho biết: Trung bình một ngày cửa hàng bán được khoảng 200 con/ngày. Để đạt được sản phẩm OCOP 4 sao, cơ sở phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì và trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Tuy nhiên, hiện tại nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ về các sản phẩm OCOP nên tôi rất mong muốn trong thời tới làm thế nào để các sản phẩm OCOP đến gần hơn với tay người tiêu dùng, để họ thực sự hiểu rõ về các sản phẩm OCOP, qua đó phát huy phong trào người Việt dùng hàng Việt.

Đến nay Lạng Sơn đã có 47 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 đến 4 sao

Nhiều đặc sản vùng đất xứ Lạng được thị trường gần xa ưa chuộng như Na Chi Lăng, Hồng Vành khuyên, Quýt Bắc Sơn hay Gạo Nếp cái hoa vàng…

Những năm qua tỉnh Lạng Sơn đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, HTX, trang trại và hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tập trung phát triển các loại sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao gắn với Chương trình OCOP.

Theo đó, tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, đặc biệt là cây ăn quả đặc sản như na, hồng, quýt và một số cây có múi khác. Tính đến nay Lạng Sơn đã có 47 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 đến 4 sao.

Việc phát triển các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa được cũng tập trung chỉ đạo, hiện Lạng Sơn có trên 2.000 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.


Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP.

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để phát huy các sản phẩm nông sản của tỉnh, chúng tôi đẩy mạnh xúc tiến thương mại, bao tiêu sản phẩm nông sản, trong đó tập trung vào các sản phẩm OCOP. Chúng tôi cũng tiếp tục thực hiện chuyển đổi số đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Thời gian qua, với sự đồng bộ chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, cũng như sự vào cuộc của các doanh nghiệp, HTX và đặc biệt là người nông dân, các sản phẩm nông sản của Lạng Sơn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã đảm bảo đủ các điều kiện để đi vào hệ thống các siêu thị trên cả nước cũng như trên các sàn giao dịch nông sản.

Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái cũng là 1 trong những hướng phát triển của tỉnh Lạng Sơn thời gian gần đây. Tại huyện Bắc Sơn đã hình thành một số điểm du lịch tại các vườn quýt, thu hút đông du khách đến tham quan kết hợp mua và thưởng thức sản phẩm tại vườn mỗi vụ.

Với lợi thế nhiều danh lam, thắng cảnh và tiềm năng về du lịch cộng đồng, việc xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng sẽ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, hướng tới phát triển du lịch bền vững.

Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tiêu chuẩn hóa từ 135-140 sản phẩm của các địa phương, xây dựng 6 làng (bản) văn hóa du lịch cộng đồng, củng cố kiện toàn 70, phát triển mới 80 tổ chức kinh tế để tham gia tích cực vào chương trình OCOP…

Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Đứng trước những khó khăn bởi đại dịch COVID-19, trong thời gian này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của từng địa phương, từ đó đa dạng hóa các sản phẩm để ngay sau khi đại dịch được kiểm soát sẽ sẵn sàng các phương án để thực hiện tuyên truyền sâu rộng hơn, để người dân và du khách biết đến các sản phẩm OCOP cũng như các điểm du lịch của địa phương, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với các nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, Lạng Sơn xác định cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá xây dựng hình ảnh thương hiệu; Tạo ra các không gian, môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối…

Đồng thời trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc tăng cường quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử cũng được đặt lên hàng đầu.

Việc phát triển các sản phẩm OCOP đã và đang mang lại nhiều hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội của Lạng Sơn. Để phát triển các sản phẩm OCOP có tính bền vững, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp để kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường.

Hằng năm Sở cũng thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm, mở và tiếp tục mở rộng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn… Ngoài đẩy mạnh việc đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, các sàn giao dịch điện tử, chúng tôi cũng phối hợp với các sở Ban ngành thành lập các trang web để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng./.

 

 Duy Thái/VOV Đông Bắc

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC