Thiếu đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống
Thứ hai, 00:00, 08/01/2018 Việt Phú + 2  ảnh Việt Phú + 2 ảnh
VOV4.VN- Hàng hóa tốt được đo đếm bằng giá trị sản phẩm và sức tiêu thụ, nhưng có những loại hàng hóa, trong đó có sản phẩm dệt truyền thống, rõ ràng chất lượng tốt, có thương hiệu nhưng lại đang mai một vì chưa có chiến lược bài bản cho đầu ra của sản phẩm và thế hệ trẻ không còn mặn mà lắm với nghề truyền thống.

 

Nghề dệt truyền thống nguy cơ mai một

 

Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, lâu nay được du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao về giá trị văn hóa và tính thẩm mỹ. Các sản phẩm dệt đều làm thủ công. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, nhiều hoa văn cổ, hoa văn từ thời vua chúa đã được vẽ lên trên những tấm lụa, tấm khăn choàng đầy màu sắc, trở thành những món quà độc đáo cho mỗi du khách khi đến làng nghề.

Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, thay vì làm thủ công thì đã xuất hiện những máy dệt công nghiệp, với chi phí thấp, giá thành rẻ cho nên sản phẩm truyền thống khó cạnh tranh. Thu nhập của những người dệt thổ cẩm thủ công của HTX  như chị Lưu Thị Kim Tuyến, ở làng Mỹ Nghiệp, trở nên khó khăn hơn. HTX có 80 thành viên, mỗi thành viên đóng 5 triệu nhưng một năm chỉ được có 2 triệu đồng.

Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp. Ảnh: VP

Trăn trở của chị Tuyến cũng là điều mà nhiều nghệ nhân trong làng Mỹ Nghiệp lo lắng. Bà Thuận Thị Trào, thành viên HTX dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, năm nay đã ngoài 60 tuổi, cho biết nếu không vì lòng yêu nghề, say nghề thì có lẽ giờ này bà đã nghỉ ngơi, quây quần với con cháu. Bà chỉ tiếc nghề truyền thống của làng Mỹ Nghiệp bao đời nay có nguy cơ mai một bởi hiện tại lớp kế cận không mặn mà. Với 30 nghìn đồng/ngày công thì việc giữ lại nghề truyền thống càng trở nên khó khăn hơn.

Giờ đây, điều mong mỏi lớn nhất của bà Thuận Thị Trào cũng như những những người Chăm ở làng Mỹ Nghiệp là đầu ra cho các sản phẩm dệt, và mong muốn hơn cả là giữ được nghề của tổ tiên.

 

Hướng đi nào cho làng nghề Mỹ Nghiệp?

 

Theo bà Thuận Thị Trào, hiện nay HTX có gần 100 thành viên tham gia, với cổ phần mỗi thành viên 5 triệu đồng. Như vậy, cả HTX có gần 500 triệu để duy trì, nhưng khó khăn không phải là vốn mà là đầu ra cho sản phẩm. Nếu đầu ra ổn định, việc huy động vốn không phải là quá khó khăn. 

Bà Thuận Thị Trào giới thiệu sản phẩm dệt tại HTX dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Ảnh: VP

Từ việc tiêu thụ sản phẩm không nhiều nên lợi nhuận chia hàng năm cho mỗi thành viên là rất ít. Nhiều hộ đang xin rút lui và nguy cơ làng nghề bị mai một ngày càng hiện hữu. Do vậy, theo bà Thuận Thị Trào, cần phải có những việc làm cụ thể, thiết thực hơn như tạo đầu ra cho sản phẩm, đào tạo nghề cho con em đồng bào Chăm.

Theo ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, để giữ được nghề thì đầu tiên phải quan tâm tới lớp trẻ và hướng tới thu nhập bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá sản phẩm dựa trên tiềm năng du lịch của tỉnh nói chung.

Như vậy, cùng với sự hỗ trợ của các ban ngành chức năng trong tỉnh, rất cần sự đa dạng hóa sản phẩm cùng sự nỗ lực từ chính những người dân Mỹ Nghiệp.

 

 

 

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC