Dòng chảy nhân ái trong cơn lũ lịch sử Mường La
Thứ ba, 00:00, 24/10/2017
VOV4.VN - 15 người chết và mất tích, gần 400 ngôi nhà bị mất mát, hư hỏng nặng, hàng trăm hecta cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng... Ước tổng thiệt hại về kinh tế trên 700 tỷ đồng. Mường La chưa bao giờ tang thương thế, song Mường La cũng chưa bao giờ thân thương thế, khi sau lũ quét, từng đoàn, từng đoàn người hướng về đây, sẻ chia khó khăn, mất mát với bà con, nhân lên tình người trong cơn hoạn nạn.


 

Chưa bao giờ Mường La - Sơn La lại trở thành địa chỉ được nhắc đến và điểm đến của nhiều tổ chức, cá nhân, các địa phương trong cả nước nhiều như thế. Ròng rã cả tháng trời, ngay sau khi trận lũ lớn nhất trong 70 năm quét qua, cuốn đi mọi thứ dọc con suối Nậm Păm, ngập tràn trên các trang mạng xã hội là lời kêu gọi, vận động quyên góp ủng hộ, sẻ chia với những đau thương, mất mát tại vùng rốn lũ ở Mường La.

Hàng đoàn dài xe cứu trợ với đủ các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, mắm, muối, tiền, đồ dùng gia đình, cùng với hàng nghìn người cuốc bộ khênh, vác hàng về các xã, bản, đến tận các hộ dân bị ảnh hưởng để thăm hỏi, sẻ chia với bà con.

Hay các chị, các mẹ cùng góp gạo, góp rau, góp thịt nấu những suất cơm miễn phí phục vụ bà con và lực lượng cứu hộ. Người trao, người nhận không quen biết, mỗi người một vùng quê, một dân tộc, song mỗi người đều thấy như thể chính mình bị đau, bị mất mát.

Chị Nguyễn Thúy Mai, tình nguyện viên đoàn tình nguyện từ Hà Nội đến, chia sẻ: "Khi nghe tin Mường La bị lũ, tôi rất xót xa. Khi được vào đây, giúp đỡ một phần nhỏ bé cho người dân ở đây, chia sẻ những mất mát , vất vả của bà con, tôi thấy ấm lòng hơn".

Ai có gì góp đấy hỗ trợ bà con bị thiên tai

Mỗi người ủng hộ một chút, một chút, từ những hiện vật như quần áo, những tấm chăn ấm áp, tiền mặt, cứ thế, tình người trong hoạn nạn được nhân lên. Anh Cà Văn Uẩn, dân tộc Thái, ở bản Huổi Liếng, xã Nậm Păm, vợ và 2 con bị chết trong cơn lũ dữ. Mất hết người thân chỉ trong phút chốc, anh không thiết sống nữa. Được chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể thăm hỏi, động viên, ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần, anh đã vượt qua nỗi đau. Hàng ngày, các đảng viên trong bản đều ghé qua nhà anh hỏi han, động viên.

Với người dân sở tại, những hộ may mắn còn ruộng nương, họ không ngần ngại chia sẻ những diện tích đất bao năm sản xuất của gia đình cho các hộ bị mất đất. Ông Lù Văn Hùng, chi bộ bản Hốc, xã Nậm Păm, cho biết: Bản có 24 đảng viên, thì tất cả đều tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, làm nhà và chia sẻ đất sản xuất cho bà con. Bà con đã hiến trên 12 héc ta đất.

Thống kê đến thời điểm này, vùng rốn lũ Mường La đã có trên 1.000 đoàn đến thăm hỏi, trao tiền và hiện vật quyên góp ủng hộ, gồm trên 52 tỷ đồng, 130 tấn gạo, 17 nghìn thùng mì tôm, 7 tấn muối, hàng nghìn bao quần áo, chăn, màn, cùng nhiều vật dụng sinh hoạt khác. Nhiều bộ, ngành, địa phương ủng hộ số tiền lớn, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ 30 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học xã Nậm Păm; Đài TNVN ủng hộ 500 triệu đồng cho hai tỉnh Sơn La và Yên Bái; Ban chỉ đạo Tây Bắc hỗ trợ 100 triệu đồng; tỉnh Lào Cai hỗ trợ đồng bào vùng lũ Sơn La 500 triệu đồng…

Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: "Chúng tôi xác định việc ổn định đời sống cho bà con là cả một quá trình lâu dài. Cho nên chúng tôi tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trong tỉnh để giúp bà con có được cuộc sống ổn định. Thay mặt lãnh dạo tỉnh Sơn La, trân trọng cảm ơn những tập thể, cá nhân đã dành những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp, giúp về tình cảm, vật chất và tinh thần để nhân dân Mường La – Sơn La có điều kiện ổn định cuộc sống".

 

 

 

 

Tuyết Lan,Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC