Lai Châu di dời các hộ dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn
Thứ năm, 17:33, 01/07/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Với quyết tâm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa lũ, chính quyền các địa phương và ngành chức năng tỉnh Lai Châu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công mặt bằng và các công trình phụ trợ để sớm di dời các hộ dân đến nơi ở mới an toàn.

 

Bản Hua Cuổi, xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ là nơi sinh sống của 115 hộ, với hơn 500 nhân khẩu đồng bào Thái đen. Do địa hình độ dốc cao, mấy năm gần đây, phía đầu bản xuất hiện vết nứt dài hàng trăm mét, nên người dân luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, huyện Sìn Hồ đã bố trí hàng chục tỷ đồng làm mặt bằng bản mới, nhằm sớm đưa các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đến nay, nhà thầu là Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Mạnh Quân đã hoàn thành khoảng 60% tiến độ thi công mặt bằng và đang tranh thủ những ngày nắng ráo, tập trung máy móc, phương tiện, nhân lực để thi công.

Tranh thủ những ngày nắng ráođể thi công.

Ông Hà Xuân Yên, Chỉ huy trưởng công trường, thuộc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Mạnh Quân, đơn vị thi công mặt bằng và hạ tầng bản mới Hua Cuổi cho biết: Công ty đã điều động thiết bị vào đây. Hiện giờ đang có 4 máy đào, 2 máy ủi, 2 máy lu và 6 ô tô đang triển khai thi công mặt bằng. Vật liệu thì đã tập kết được 2.000 mét khối cát và 4.000 mét khối đá, để đảm bảo được tiến độ đề ra.

Theo thống kê, huyện Sìn Hồ hiện còn hơn 220 hộ dân sống trong vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, tập trung ở 5 xã: Nậm Cuổi, Nậm Hăn, Pu Sam Cáp, Nậm Mạ và Tà Ngảo.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa lũ này, chính quyền địa phương đang huy động tối đa các nguồn lực lồng ghép để đẩy nhanh các dự án di chuyển dân. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện tối đa về sinh kế, để người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Chính quyền địa phương đang huy động tối đa các nguồn lực 

Ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án, chỉ đạo đơn vị thi công tập trung triển khai tất cả các phương tiện, máy móc, rồi công nhân kỹ thuật để vào thi công. Hiện nay tiến độ triển khai san ủi mặt bằng cũng đã cơ bản rồi. Sau khi xong mặt bằng thì chúng tôi sẽ di chuyển dân lên; đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, để phục vụ cho đời sống và sinh hoạt lâu dài cho nhân dân.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 70 người chết và mất tích do mưa lũ, sạt lở đất. Bên cạnh đó, địa phương cũng ghi nhận gần 2.000 nhà ở của dân bị hư hại, hàng trăm công trình công cộng, tài sản và nhiều diện tích hoa màu của người dân bị đất đá vùi lấp... Ước tổng giá trị thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay công tác cảnh báo lũ quét, sạt ở đất ở địa phương vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các bản tin dự báo thời tiết và việc quan sát trực quan, cùng kinh nghiệm của người dân.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu sẽ thực hiện 39 dự án, để di chuyển gần 2.100 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm sạt lở, với tổng vốn đầu tư hơn 570 tỷ đồng. Riêng năm 2021, sẽ thực hiện 10 dự án, trong đó có 7 dự án chuyển tiếp từ năm 2020 và di chuyển hơn 320 hộ dân.

Riêng năm 2021, sẽ di chuyển hơn 320 hộ dân.

Ông Vũ Xuân Tính, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết: Thiên tai trên địa bàn tỉnh Lai Châu thường xuyên diễn biến phức tạp và khó lường, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và nhà nước. Các cấp chính quyền đã chủ động xây dựng phương án ứng phó hàng năm phù hợp với địa phương và duy trì các lực lượng tại chỗ, đặc biệt là lực lượng xung kích, để xử lý tình huống cấp bách.

Bên cạnh sự chủ động của chính quyền chủ động, người dân Lai Châu cũng đã nhìn thức được nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản, khi có dấu hiệu đã báo cho các cấp chính quyền, di chuyển đến nơi an toàn để tránh trú.

Ngoài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng địa phương, để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại khi mưa lũ xảy ra, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với thiên tai, bão lũ, như không ngủ lại lán nương, không đi vớt củi, đánh bắt cá hay đi qua suối, ngầm tràn khi có mưa lũ lớn để tránh thiệt hại về người và tài sản.

Bên cạnh đó, khi có sự cố xảy ra, cần báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu các thiệt hại./.


                                      
Khắc Kiên/VOV
Tây Bắc

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC