Mưa lũ làm 83 người chết, mất tích và bị thương
Thứ năm, 00:00, 12/10/2017 p p
VOV4.VN - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục họp về công tác ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong một, hai ngày tới.

Mưa lũ đã làm 40 người chết, 22 người mất tích và 21 người bị thương. Các tỉnh có số người chết và mất tích nhiều là Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái. Mưa, lũ làm gần 18 nghìn ngôi nhà bị sập, hư hỏng, ngập; hơn 40.000ha lúa, rau màu, cây ăn quả... bị chìm trong nước và thiệt hại; hơn 40 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi - thông tin đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay, theo báo cáo nhanh của các địa phương.

Nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ ở Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An sạt lở nhiều điểm, ngập sâu gây ách tắc giao thông. Nghiêm trọng nhất là ở tỉnh Hòa Bình, sạt lở đất vùi sâu gần chục gia đình ở hai huyện Đà Bắc và Tân Lạc. Lực lượng cứu hộ của Bộ Quốc phòng đã huy động hàng trăm chiến sĩ đến phối hợp với địa phương khẩn trương tìm kiếm người mất tích.

Trung tá Đỗ Huy Phương, Ủy ban An toàn quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, cho biết: Ngay trưa hôm qua, Ủy ban an toàn tìm kiếm cứu nạn đã có đoàn công tác lên Hòa Bình và Bộ Tư lệnh quân khu 3 đã điều động quân Đà Bắc, Tân Lạc. 3 giờ sáng nay, lực lượng của chúng tôi trên Tân Lạc có 400 cán bộ chiến sĩ đang tìm 19 nạn nhân, 7 giờ sáng tìm được 7 nạn nhân; ở Kim Bôi tìm được 2 nạn nhân. Các lực lượng đang tiếp tục tìm kiếm. Theo dự báo, áp thấp nhiệt đới chuẩn bị vào thành bão, chúng tôi đã có phương án chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng ứng phó kể cả trên biển và trên đất liền”.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Mực nước lũ trên sông Mã qua Thanh Hóa và sông Hoàng Long qua Ninh Bình có thể vượt giá trị lịch sử 30-40 năm trước. Mực nước lũ trên sông Hoàng Long sẽ vượt báo động 3 là 1,2m - tương đương với đỉnh lũ lịch sử năm 1985.

Mực nước lũ tại sông Mã trên báo động 3 là 1m - tương đương lũ lịch sử năm 1980. Đặc biệt, cả 3 sông Bưởi (qua huyện Thạch Hãn), sông Mã (qua huyện Yên Định và thành phố Thanh Hoá) và sông Chu (qua huyện Thọ Xuân) đều sẽ vượt mức lũ báo động 3 từ 0,5-1m. Do đó, tình trạng ngập lụt sâu diện rộng sẽ tiếp diễn hầu khắp Thanh Hóa.

Tại miền Bắc, lũ sông Thao qua Yên Bái sẽ vượt báo động 3 là 1m. Tại sông Hồng, do chịu tác động xả lũ từ hồ Hòa Bình cộng với mưa lớn, mực nước có thể lên 10m, trên báo động 1 là 0,5m. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương không được chủ quan, tiếp tục rà soát, huy động lực lượng chủ động triển khai sơ tán dân tại các vùng thấp trũng ở bãi sông, hạ du các hồ chứa đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại như đã từng xảy ra trong đợt mưa lũ này; tăng cường kiểm tra và xử lý về đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đã chứa nhiều nước.

Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết: “Hiện nay, sông Hoàng Long đã đạt tới mức lịch sử. Thủ tướng hôm nay cùng với Bộ trưởng đang đi vào đó xem xét vấn đề di dân và có quyết định phân lũ hay không. Lâu lắm rồi chúng ta chưa phải thực hiện phân lũ.

Ở trong Thanh Hóa rất nhiều vùng bị cô lập, chia cắt. Hiện, có một sự cố của đê Hoàng Long, tỉnh đang tập trung xử lý. Bên cạnh đó, áp thấp nhiệt đới đang ở phía Đông Philippin mà theo như dự báo của một số cơ quan quốc tế có thể mạnh như bão số 10 cũng vào địa điểm khu vực miền Trung lệch phía đèo Ngang một chút. Nếu như tình hình như hiện nay mưa lũ rất là nguy hiểm. Vì vậy chúng ta phải chuẩn bị sớm ứng phó với áp thấp tiếp theo”.

Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai cho biết, sau khi mở liên tiếp 8 cửa, hồ Hòa Bình đã lần lượt đóng các cửa xả đáy. Hiện, Thủy điện Hòa Bình còn mở 3 cửa và mới đóng 1 cửa vào 7h30 sáng nay (12/10).

 


Thu Hiền/VOV-Trung tâm Tin

p

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC