Trong ngày 2/8 và sáng ngày 3/8, tại suối Nậm Mức chảy dọc Quốc lộ 12, qua địa bàn các xã Mường Pồn, Mường Mươn, Na Sang, thuộc hai huyện Điện Biên, Mường Chà, một lượng nước rất lớn từ thượng nguồn đổ về. Tuy nhiên, hàng trăm người dân sở tại vẫn ra suối vớt củi.
Suốt chiều dài gần 10km dọc suối Nậm Mức có đến 5 điểm dân tập kết về để vớt củi. Tại mỗi điểm vớt củi này, mỗi ngày có hàng chục người dân giành nhau với nước lũ để vớt củi trôi.
Ra sát mép suối lũ để vớt củi
Dưới ta-luy âm của tuyến quốc lộ, ngay sát bờ vực rất dễ xảy ra trơn trượt của suối Nậm Mức
Người dân vớt củi từ sáng cho đến chiều muộn mới nghỉ. Không chỉ thanh niên trai tráng mà cả phụ nữ, trẻ em cũng tham gia công việc hiểm nguy này.
Để vớt củi, người dân dùng cây sào dài, một đầu có gắn móc câu để vớt. Khi có những thân củi to hay trôi xa tầm với thì người dân sẵn sàng bơi theo để vớt
Với người dân tham gia công việc vớt củi, sự hiểm nguy của lũ dữ không quan trọng, điều quan tâm là phải vớt được thật nhiều củi để làm nguồn chất đốt trong nhiều tháng, hoặc cả năm sau.
Do gỗ trôi theo lũ xuống nhiều nên một ngày có người vớt được khoảng 2-3m3 củi. Công việc vớt củi rất vất vả vì nước chảy mạnh, lại tranh giành nhau nên dễ bị trượt ngã.
Nhiều năm qua, cứ đến tháng 7, tháng 8 là suối Nậm Mực có lũ, khi đó người dân lại cùng nhau ra đây vớt củi
Để bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ chính mình.
Các cấp chính quyền địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, không để người dân ra sông, suối vớt củi khi có lũ đổ về để tránh xảy ra những sự việc đau lòng không đáng có.
Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận