Nhiều hiểm nguy thiên tai rình rập người dân vùng cao Lào Cai
Thứ tư, 15:09, 01/06/2022 Thu Ha bt- 4 ảnh (2 ảnh kt) Thu Ha bt- 4 ảnh (2 ảnh kt)
VOV4.VN - Lũ quét, sạt lở đất là 2 loại hình thiên tai phổ biến nhất ở các tỉnh miền núi, trong đó có Lào Cai mỗi khi mùa mưa tới. Do địa hình núi cao, vực sâu lại có nhiều sông suối nên hiểm nguy thiên tai luôn rình rập bà con nơi đây.

 

Hơn 2 năm nay, thời tiết liên tục thay đổi. Những cơn mưa bất thường ở đầu nguồn bỗng dưng biến khe suối cạnh ngôi nhà của chị Lý Chiếu Mẩy, ở thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát thành một mối nguy. Giờ đây, đã thành phản xạ, hễ thấy mưa to là cả nhà lại bế bồng nhau đi sơ tán.

Chị Mẩy kể lại: Có hôm nước trên rừng đổ về ngập hết nhà cửa đồ đạc, đất đá tràn cả vào nhà. Ở đây lo lắm, gai đình tôi đã đề nghị với thôn, xã cho di chuyển đi nơi ở khác an toàn hơn nhưng chưa được.

Nhà chị Mẩy nằm ngay cạnh khe suối

Ngay phía sau nhà chị Mẩy, ngôi nhà của anh Vàng Chẩn Páo còn lâm vào cảnh thê thảm hơn. Chỉ sau 1 mùa mưa, xung quanh đã sụt lún nghiêm trọng kèm những vết nứt dài cả chục mét. Cũng bởi thế, hơn 2 năm nay, cả nhà anh Páo phải ra tận ven đường dựng lán sinh sống tạm bợ.

Nhà chị Mẩy và anh Páo chỉ là 2 trong số 69 hộ dân ở Phìn Ngan đang nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm. Nhưng để di dời các hộ ra nơi an toàn thì rất nhiều bất cập phát sinh. Như khu tái định cư thôn Láo Vàng là một ví dụ.

Ông Vàng Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: Khoảng cách giữa nơi ở mới và nơi ở cũ khá xa, tới 7 km. Trong khi đường chưa được đầu tư bê tông hóa và hiện nay muốn di chuyển phải qua 1 con suối, ở đó mới có cầu tạm chỉ đi được bằng xe máy.

Ảnh minh họa

Qua rà soát, toàn huyện Bát Xát đang có 144 hộ dân trong vùng thiên tai phải di dời, trong đó 96 hộ thuộc diện cấp bách. Gấp gáp là thế, nhưng rõ ràng mùa mưa lũ đã đến mà kết quả vẫn chưa mấy khả quan bởi khó khăn còn chồng chất.

Theo ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, các xã nguy cơ xảy ra thiên tai thường là ở vùng cao, đồi núi dốc. Do vậy, việc bố trí đất, sắp xếp mặt bằng di dân cũng khó khăn. Đặc biệt do tập quán sinh hoạt, canh tác của người thiểu số vùng cao phân tán rất lớn, không tập trung nên khi bố trí cũng gặp nhiều bất cập. 

Ảnh minh họa

Năm 2021, Lào Cai là địa phương có kết quả phòng, chống thiên tai đứng top đầu cả nước. Nhưng cũng không vì thế mà có thể chủ quan, khi toàn tỉnh đang hiện hữu trên 300 vị trí có nguy cơ sạt lở, với khoảng 630 hộ cần di dời đến nơi an toàn. Đây cũng là nhóm nhiệm vụ phải ưu tiên hàng đầu trong mùa mưa lũ năm nay.

Trong khi những khó khăn, bất cập chưa thể giải quyết thì trước mắt, tùy theo diễn biến tình hình thời tiết mà công tác phòng, chống phải chủ động, linh hoạt, lấy phòng ngừa là chính, mục tiêu bảo đảm an toàn tối đa cho người dân.

Ông Tạ Công Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, vấn đề thời tiết khí hậu luôn biến đổi phức tạp nên công tác tuyên truyền, tập huấn ở cơ sở tiếp tục phải chú trọng mới có thể làm tốt công tác phòng, chống thiên tai.

Hiện tại, 100% đơn vị cấp xã của Lào Cai đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai, với trên 11.500 người tham gia; gần 120.000 trang thiết bị phục vụ ứng phó các sự cố cũng đã được trang cấp. Mới đây, các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cũng đã tới kiểm tra, đánh giá tình hình tại Lào Cai để cùng bàn phương án tổ chức, thực hiện hiệu quả./.

 

 An Kiên-Bảo Ngọc/VOV Tây Bắc

Thu Ha bt- 4 ảnh (2 ảnh kt)

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC